Theo báo cáo chính trị trình đại hội, một trong những kết quả nổi bật của nhiệm kỳ qua là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Đảng ủy Bộ GD-ĐT phối hợp với Ban Cán sự đảng Bộ GD-ĐT đã lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, các đơn vị và cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa thành 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Toàn ngành đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới, căn bản toàn diện GD-ĐT.
Phát biểu tại đại hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, nhiệm kỳ qua, công tác tổ chức cán bộ đã được thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm được 25 đầu mối cấp phòng. Bộ GD-ĐT là một trong 2 Bộ không có phòng trong Vụ, và là một trong những Bộ tiên phong sắp xếp theo hướng tinh gọn. Cùng với đó là sắp xếp cán bộ một cách căn cơ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Cụ thể, công tác quán triệt các nghị quyết của Đảng cần gắn chặt chẽ, sâu sắc hơn nữa với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, để các nghị quyết phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn của đơn vị. 5 năm qua, việc triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Bộ GD-ĐT đã góp phần vào thành công chung của ngành.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, toàn ngành giáo dục luôn xác định 9 nhóm nhiệm vụ cơ bản và 5 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện. Đối với giáo dục mầm non, năm 2017 đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, từng bước hoàn thiện giáo dục mầm non theo hướng gọn nhẹ và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Giáo dục phổ thông đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình các môn học và được xã hội ghi nhận. Trên tinh thần đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành hàng loạt các hướng dẫn để địa phương triển khai, chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; đã thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa.
“Trong 5 năm qua, giáo dục phổ thông đã tích cực thực hiện đổi mới về đánh giá học sinh, đổi mới thi cử và đã đạt kết quả tốt. Giáo dục đại trà tiếp tục được giữ vững, giáo dục mũi nhọn tăng cao”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đối với giáo dục đại học có nhiều đột phá, điểm nhấn là tự chủ đại học. Ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới, công tác tuyển sinh dần đi vào ổn định.
Bộ trưởng nhìn nhận: nhìn cả nhiệm kỳ vừa qua sẽ thấy sự thay đổi lớn; xã hội có niềm tin vào ngành giáo dục. 5 năm qua, ngành giáo dục đã khắc phục được nhiều nhược điểm và tạo đà để phát triển bền vững.
Đại hội đã tiến hành bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025. Kết quả, đại hội đã lựa chọn được 27 đồng vào Ban chấp Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đại hội cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nhân sự Bí thư Đảng ủy Bộ đối với đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ GD-ĐT. Kết quả, 187/188 phiếu tín nhiệm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã trúng cử chức Bí thư Đảng ủy Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ 2020 - 2025.