Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, địa bàn tỉnh có 6 khu công nghiệp lớn với tổng diện tích khoảng 10.000ha, với hơn 258 doanh nghiệp, trên 33.000 lao động, hơn 50% là nữ. Phần lớn công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp (KCN) là người Quảng Ngãi, sinh sống trên các địa bàn xung quanh hoặc là người ở nơi khác nhưng các khu công nghiệp đã bố trí phương tiện đưa, đón công nhân nên không ở tập trung trong KCN và chưa có nhu cầu gửi con. Hiện tại, các KCN đa số chưa quy hoạch nhà ở, cũng như quy hoạch trường, lớp.
Tuy nhiên, các KCN Quảng Ngãi phát triển nhanh trong những năm gần đây và phân bố nhiều huyện. Hiện chỉ có 1 khu công nghiệp tại huyện Bình Sơn có quy hoạch khu nhà ở cho công nhân.
Do nhu cầu lao động chủ yếu theo thời vụ, hợp đồng ngắn hạn, làm theo ca, lệch giờ nên nhu cầu gửi con ở các trường công lập rất khó đáp ứng, hầu hết đều gửi con tại các nhóm trẻ tư thục, độc lập. Các cơ sở giáo dục mầm non chỉ tiếp nhận trẻ từ 24 tháng tuổi, trong khi công nhân nữ chỉ được nghỉ thai sản quy định 6 tháng, dẫn đến nhóm trẻ độc lập tự phát, dịch vụ nhóm trông giữ trẻ tại gia đình, cơ sở chưa đảm bảo về phòng học, đồ dùng, người giữ trẻ không có chuyên môn.
Ông Lý Minh Phụng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Tịnh, cho biết, huyện Sơn Tịnh có 2 khu công nghiệp là KCN Tịnh Phong và KCN VSIP. “Hiện tại, địa bàn huyện không có nhà trẻ dành cho KCN, chỉ có 1 trường mẫu giáo Tịnh Phong với 260 cháu, trong đó hơn 150 cháu là con công nhân, ngoài ra một số nhóm trẻ tự phát, họ phần lớn cải tạo nhà ở thành nơi nuôi giữ trẻ. Các cô nuôi dạy trẻ cũng chỉ theo thời vụ, không giữ được lâu dài. Việc hỗ trợ xây dựng mầm non rất khó vì kinh phí lớn”.
Việc đa số các KCN không có cơ sở giáo dục mầm non đã dẫn đến gây áp lực và xảy ra tình trạng quá tải cho các trường mầm non trên địa bàn.
Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nói, hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi có 3.489 giáo viên, trong đó, chỉ có 2.188 giáo viên có biên chế, còn lại ngoài biên chế. Bộ và các ngành Trung ương cần điều chỉnh Thông tư liên tịch, trình Chính phủ phê duyệt đủ và kịp thời số lượng biên chế (hợp đồng) theo đúng vị trí việc làm với nhu cầu thực tế hằng năm.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi trong phát triển các khu công nghiệp. Thứ trưởng chia sẻ những khó khăn của địa bàn về biên chế giáo viên. Đối với kiến nghị hỗ trợ thiết bị đồ dùng đồ chơi, sửa chữa cơ sở hạ tầng, sắp tới, sẽ kiến nghị lên Bộ GD-ĐT có những giải pháp hỗ trợ.
Thứ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi bổ sung, hoàn thiện các thông tin về thực trạng khu công nghiệp, chế xuất, tình hình hoạt động trường mầm non công lập, tư thục trên địa bàn tỉnh và báo cáo đến Bộ GD-ĐT trong thời gian sớm nhất.