Số ca mắc Covid-19 tại TPHCM đang có xu hướng gia tăng, nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng, chuyển biến nặng nhanh khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.
Trước thực trạng này, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn (ảnh), Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM, cho rằng: “Chúng ta đã luôn có những kế hoạch ứng phó phù hợp, kịp thời và người dân cần đồng lòng với chính quyền địa phương bằng cách chấp hành đúng, nghiêm chỉnh các biện pháp phòng chống dịch”.
* PHÓNG VIÊN: Thưa Thứ trưởng, hiện nay Bộ Y tế quy định như thế nào đối với việc cách ly, điều trị các ca bệnh (F0) tại nhà?
* PGS-TS NGUYỄN TRƯỜNG SƠN: Hiện nay số lượng ca mắc Covid-19 trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang tăng rất nhanh. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy có khoảng 70%-80% bệnh nhân không có triệu chứng. Ngoài ra, theo khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có thể giảm thời gian điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế.
Dựa trên thực tế đó, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 5599, hướng dẫn điều trị F0 tại nhà sau một thời gian điều trị tại cơ sở y tế. Cụ thể, khi các F0 không có triệu chứng, được điều trị tại cơ sở y tế 10 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính sẽ được chuyển về cách ly tại nhà. Một số F0 khác có tải lượng virus thấp cũng có thể đưa về cách ly tại nhà vì nguy cơ lây nhiễm cho người khác của các trường hợp này rất thấp.
Các F0 không có triệu chứng được cách ly tại nhà, sẽ được cơ quan y tế địa phương theo dõi sức khỏe hàng ngày, bổ sung một số loại thuốc như thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao sức đề kháng và được khuyến cáo uống nhiều nước mỗi ngày. Khi có sự biến chuyển về sức khỏe bất thường nào, họ được đưa trở lại bệnh viện, tiếp tục theo dõi, điều trị.
Chúng tôi hy vọng, việc đưa các F0 không triệu chứng về cách ly tại nhà sẽ góp phần giảm tải cho các bệnh viện thu dung điều trị. Đồng thời, việc người bệnh được gần gũi với gia đình sẽ tạo tâm lý thoải mái hơn, từ đó có thể mau khỏi bệnh và khỏe mạnh hoàn toàn.
Dĩ nhiên, các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh, khử khuẩn phải được tuân thủ đầy đủ, nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe hàng ngày, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Và lúc này vai trò của hệ thống y tế cơ sở rất quan trọng.
* Các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh nhân không có triệu chứng có thể chuyển biến thành nặng rất nhanh. Việc điều trị bệnh nhân tại TPHCM được phân bổ như thế nào thưa ông?
* Bệnh nhân thường có diễn tiến nặng hơn trong 7-10 ngày đầu tiên sau khi nhập viện. Đây là thời gian chúng tôi khuyến cáo tất cả cơ sở y tế phải theo dõi sát diễn biến của người bệnh để có phương án điều trị kịp thời. Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn điều trị phiên bản thứ 5.
Trong đó, khi điều trị, cần kiểm tra thường xuyên 2 chỉ số là nhịp thở của người bệnh và chỉ số SP02 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi). Khi phát hiện 2 chỉ số này biến đổi bất thường, phải cho bệnh nhân chụp lại X-quang phổi, đánh giá các tổn thương và bắt tay vào điều trị cho bệnh nhân càng sớm càng tốt.
Bộ Y tế đã phân cấp điều trị theo 3 tầng (tầng điều trị không triệu chứng, có triệu chứng, có bệnh lý đi kèm nặng và nguy kịch), tuy nhiên TPHCM đã tăng thêm tầng nữa là thành lập khu hồi sức tích cực để điều trị cho bệnh nhân rất nặng. TPHCM đã nâng cao năng lực bằng việc thành lập Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 với quy mô 1.000 giường bệnh, bắt đầu thu dung những bệnh nhân từ cấp độ suy hô hấp, phải thở oxy.
Đáng chú ý, bệnh viện này còn có 100 giường đặc biệt sẵn sàng cho bệnh nhân phải sử dụng đến máy thở chức năng cao và ECMO khi cần thiết. Hiện tại, TPHCM có thể thêm tầng thứ 5 là điều trị F0 tại nhà. Việc này TPHCM cần triển khai thực hiện ngay. Bộ Y tế sẽ theo dõi tình hình và có những đánh giá, điều chỉnh về văn bản, chính sách phù hợp nhất với tình hình thực tế.
* Tại TPHCM, số ca mắc đang không ngừng gia tăng, liệu các chiến lược chống dịch có đang đúng hướng?
* Đối với làn sóng dịch lần thứ 4, cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đều ở trong tư thế chủ động. Tuy nhiên, trước sự biến chuyển khó lường của dịch bệnh, chúng ta đã luôn có những kế hoạch ứng phó phù hợp, kịp thời.
Ví dụ trong công tác xét nghiệm, trước đây việc xác định F0 áp dụng theo tiêu chuẩn vàng là xét nghiệm RT-PCR, tuy nhiên quy trình xét nghiệm này mất khá nhiều thời gian, do đó, sau này chúng tôi khuyến cáo sử dụng công cụ test nhanh, quét qua quét lại các khu vực nguy cơ cao để làm sao trong ngắn nhất có thể tìm ra F0, từ đó có chiến lược truy vết.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã sử dụng thêm một số biện pháp kỹ thuật như gộp 3, gộp 5 mẫu trong 1 lần test nhanh hoặc gộp 15 mẫu đối với xét nghiệm RT-PCR. Trong công tác điều trị, chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật phác đồ điều trị mới, có nghiên cứu mới, sử dụng thuốc tốt nhất cho người bệnh nặng để làm sao cố gắng giảm bớt các trường hợp tử vong do Covid-19. Chúng ta cũng đã có sự thay đổi trong chiến lược vaccine, trong điều tra, truy vết...
Những ngày qua, số ca mắc của TPHCM tăng cao chứng tỏ hiệu quả của các biện pháp truy vết, test kháng nguyên nhanh bởi nguyên tắc chống dịch là phát hiện sớm để cách ly, khoanh vùng dập dịch. Việc phát hiện F0 trong cộng đồng sớm rất quan trọng, chứng tỏ công tác phòng chống dịch ở TPHCM đang đi đúng hướng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu TPHCM tăng cường xét nghiệm ở các điểm nóng, vùng nguy cơ cao, thực hiện 3-5 ngày một lần, rà qua soát lại nhằm phát hiện sớm F0 còn “lang thang” trong cộng đồng. Người dân cần tin tưởng vào sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, lãnh đạo TPHCM trong tình hình hiện nay; cùng đồng lòng, chung tay với chính quyền địa phương bằng cách chấp hành đúng, nghiêm chỉnh khuyến cáo của Bộ Y tế, UBND TPHCM trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.