Chiều 9-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải, chủ trì buổi họp báo.
Tham dự có PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TPHCM chống dịch Covid-19.
Gần 6.700 nhân viên y tế đến chi viện cho TPHCM
Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến nay, gần 6.700 nhân viên y tế trên cả nước đã đến chi viện, tham gia tại các trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện tầng 2, bệnh viện dã chiến và kể cả công tác lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng vaccine tại TPHCM.
Đây là sự huy động lớn nhất từ trước đến nay của ngành y tế. Bộ Y tế khẳng định sự quan tâm của Thành ủy TPHCM, UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM ngay thời điểm đầu với lực lượng chi viện là hết sức chi tiết, chu đáo, đảm bảo các điều kiện làm việc, sinh hoạt.
“Chúng tôi luôn cố gắng hài hòa mọi quyền lợi của anh em để vì một điều thiêng liêng là cùng nhau vượt qua đại dịch. Đồng nghiệp của chúng tôi, bên cạnh sự phân công điều động còn mang theo tinh thần tự nguyện, tâm huyết và chung tay với nhân dân TPHCM”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định và cho biết, đến lúc này, Bộ Y tế không có kế hoạch rút lực lượng khỏi TPHCM và sẽ làm hết trách nhiệm và nhiệm vụ.
Về công văn xem xét rút chứng chỉ hành nghề và kỷ luật nhân viên y tế nếu xin nghỉ việc, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, trong thời gian qua, một số địa phương có tình trạng cơ sở y tế từ chối tiếp nhận bệnh nhân gây ra tổn thất đau lòng. Bên cạnh đó, diễn tiến dịch phức tạp, có các bác sĩ không chịu được áp lực và xin nghỉ việc trong thời gian đầu. Công văn vừa ban hành không mang tính kỷ luật, mà khuyến cáo mong muốn các đồng nghiệp chung sức trong cuộc chiến này, đồng lòng, thấu hiểu để cùng nhau chung tay chiến thắng đại dịch.
“Còn vấn đề kỷ luật, xử phạt hành chính, không phải là điều công văn này đặt nặng. Mong đồng nghiệp thấu hiểu”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.
Phát huy nguồn nhân lực để chăm lo cho đội ngũ y tế
Theo Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế là những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, TPHCM với 17.653 người, lực lượng của Trung ương, bộ ngành chi viện là 6.627 người. TPHCM và Bộ Y tế luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, chăm lo với mục tiêu cao nhất là kiểm soát dịch bệnh.
Công tác phối hợp giữa TPHCM và Bộ Y tế chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời, vừa giải quyết các vấn đề theo kế hoạch đề ra và vấn đề an sinh, phát huy nhiều nguồn nhân lực để chăm lo cho đội ngũ y tế, không chỉ từ ngân sách.
“Dù đã nỗ lực, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu khám và chữa bệnh. Nguồn thu từ viện phí của các bệnh viện giảm, dẫn đến giảm thu nhập của y bác sĩ. TPHCM đang có những nghị quyết khắc phục điều này. Bên cạnh đó, chế độ chính sách đã thông qua nhưng việc triển khai có nơi còn chậm và đang khắc phục. TPHCM thừa nhận những thiếu sót và xem đó là các bài học để tìm cách giải quyết”, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải nhìn nhận.
Bên cạnh đó, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trước đây, khi chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ sang điều trị Covid-19 sẽ quay sang chế độ hưởng ngân sách nhà nước, đảm bảo lương, phụ cấp, chi phí vận hành bệnh viện, kể cả thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế theo Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM đảm bảo đầy đủ và không giảm so với thu nhập năm 2020.
Những nhân viên, cán bộ viên chức, tại các bệnh viện không phải điều trị Covid-19 tình nguyện đến những bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức để cách ly điều trị hưởng chế độ như cán bộ, viên chức, người lao động chuyển đổi công năng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng cho biết, gần đây, Nghị quyết 12 của HĐND TPHCM ngày 24-8 có chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu có mức từ 1,5 triệu đến 10 triệu đồng/người tùy vào tính chất công việc tham gia. Hiện, có một số bệnh viện đã chi trả cho nhân viên của mình như: Bệnh viện Bình dân, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện quận 4…; các bệnh viện còn lại đang lập danh sách gửi về kho bạc để chi trả cho nhân viên.
“Có sự chậm trễ ở đây là vì quy định của HĐND TPHCM so với Nghị quyết 16 của Chính phủ về các đối tượng, định nghĩa thế nào là trực tiếp tham gia nên có sự chậm trễ. Ngoài các chính sách của nhà nước, thời gian qua, nguồn vận động xã hội hóa thông qua MTTQ rất nhiều, đã hỗ trợ cho những nhân viên y tế về khẩu phần ăn, nước uống, trái cây…”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định.
Dịch vụ ăn uống mang đi phải đặt hàng trực tuyến, giao hàng qua shipper
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu - Công an TPHCM, thời gian qua, cơ quan công an, xử lý nhiều xe núp bóng xe cứu thương, vận chuyển ma túy trên tuyến đường lớn thời gian qua. Bên cạnh đó, qua các đợt người dân di chuyển ở quê, nhận thấy người dân thường sẽ tập trung ra vùng ven bằng xe honda sau đó lên xe ô tô về các tỉnh. Do đó, cần sự phối hợp đồng bộ của các địa phương để đạt hiệu quả.
“Việc cấp giấy đi đường là giải pháp tình thế để kiểm soát lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách. Giải pháp căn cơ phải là áp dụng công nghệ thông tin”, Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định và cho biết, hiện Công an TPHCM đã lắp 108 camera ở các chốt kiểm soát trên toàn TPHCM để kiểm soát mã QR.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, việc xét nghiệm cho nhân viên siêu thị đang gặp khó khăn vì thực hiện "3 tại chỗ", các doanh nghiệp có thể tự chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cho phù hợp. Hiện, nguồn cung thực phẩm chế biến khó khăn, vì nhà cung cấp, nhà sản xuất, kho trung chuyển khó khăn như: các nhà sản xuất nhỏ đang thực hiện "3 tại chỗ" kéo dài, giảm công suất, các kho cung ứng không thuộc thành phần được cấp giấy đi đường.
Trong ngắn hạn, Sở Công thương đang rà soát để hỗ trợ thêm giấy đi đường cho các đơn vị này để tăng cường. Vừa qua, nhà máy sản xuất đồ hộp lớn như Vissan cũng giảm còn 50% công suất do có F0 trong dây chuyền trước đó, hiện đang tìm phương án nâng lên 100% trong thời gian ngắn nhất.
Ngoài ra, sở cũng đang làm việc với Hội lương thực thực phẩm để tính toán cho kế hoạch dài hơi. Về việc TPHCM cho hoạt động lại loại hình dịch vụ ăn uống mang đi, cơ sở phải đảm bảo các điều kiện: thực hiện theo phương thức "3 tại chỗ", đặt hàng qua trực tuyến, giao hàng qua shipper.
Trả lời về nội dung phản ánh từ báo chí “Người dân được phát gạo nhưng phải ký nhận tiền” tại quận Bình Tân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh thông tin, đây không phải lỗi cố ý, cũng không có hiện tượng tiêu cực, đây là lỗi kỹ thuật về danh sách. Ngay khi có phản ánh của người dân, các đồng chí lãnh đạo phường Bình Hưng Hòa B đã đề nghị Tổ trưởng và Ban Công tác Mặt trận khu phố làm lại danh sách và đưa đến người dân đã ký lộn danh sách để ký lại và người dân đã vui vẻ, không có phản ánh thêm. |