Ngày 16-2, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20 của Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM.
Đến dự hội nghị còn có đồng chí Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH-CN.
Lãnh đạo TPHCM tham dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Đánh giá về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20, Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định khẳng định, TPHCM đã thực hiện rất sáng tạo trong đổi mới cơ chế quản lý phương thức đầu tư và cơ chế tài chính liên quan đến hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn, phù hợp với tinh thần và tính chất đặc thù của TPHCM.
“TPHCM là đơn vị đi đầu, dẫn đầu cả nước về nhiều lĩnh vực KHCN và sáng tạo. Do vậy, có những vấn đề khó khăn, vướng mắc, Thành phố là địa phương đương đầu. Đây chính là nơi phải thử nghiệm chính sách để có những đột phá”, đồng chí Lê Xuân Định đánh giá.
Theo Thứ trưởng, thời gian qua, Bộ KH-CN cùng Bộ Tài chính đã phối hợp sửa đổi Thông tư liên tịch 55 về hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH-CN có sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch 27 Quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách nhà nước thì phát sinh một số bất cập. Đó là, chủ nhiệm nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia trước kia được quy định khoảng 26 triệu đồng, hiện quy định mới khoảng 40 triệu đồng. Nghiên cứu viên trước kia 8 triệu đồng, hiện khoảng 16 triệu đồng. Tuy nhiên, những người hỗ trợ nghiên cứu thì mức thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 6-8 triệu đồng, so với đặc thù địa bàn TPHCM thì lương của người hỗ trợ không đủ mức sống trung bình ở Thành phố.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Vì vậy, đối với TPHCM, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng, ngoài những quy định chung thì Thành phố cũng phải có quy định phù hợp với đặc thù của Thành phố. “Nếu một người làm nghiên cứu mà tiền lương không đủ sống thì chắc hẳn khó tập trung tinh lực vào quá trình này. Thành phố đang xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 thì đây chính là việc vừa tổng kết Nghị quyết 20, vừa đồng thời làm “nguyên liệu” đầu vào cho đề xuất sửa đổi ở Nghị quyết 54 để có cơ chế đặc thù”, Thứ trưởng gợi mở.
Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng nhận xét, TPHCM là đơn vị hàng đầu cả nước về phát triển KH-CN nhanh, kịp thời. Qua các báo cáo cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TPHCM là điển hình cho sự năng động sáng tạo của Thành phố, là bức tranh rõ rệt cho sự nhanh nhạy, đáp ứng cả về chính sách và xã hội hóa trong đầu tư.
“Đây là bài học các địa phương khác cần nghiên cứu”, Thứ trưởng Bộ KH-CN khẳng định và thông tin, cách đây 5 năm, khái niệm Startup (khởi nghiệp) manh nha và sau 5 năm có hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố, chiếm tỷ trọng 50% của cả nước. Tổng đầu tư xã hội, đầu tư mạo hiểm, TPHCM chiếm trên 50%. Theo đồng chí, đây cũng là một trong những điểm cần quan tâm trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng, để tăng tỷ trọng đầu tư cho phát triển KH-CN và ĐMST của TPHCM muốn vươn lên ngang tầm khu vực và thế giới thì tổng mức đầu tư của Thành phố cho KH-CN, ĐMST cũng phải từ 2% GDP hoặc GRDP trở lên thì mới có sức mạnh, sức bật. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng, cho nên cách duy nhất là xã hội hóa, qua nhiều hình thức. Đó là, phát huy quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp và đặc biệt các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ĐMST.
“Đây là một trong những lĩnh vực mà trong cơ chế chính sách sắp tới rất cần có những đặc thù có thể đi trước các địa phương khác để giải quyết vấn đề xã hội hóa nguồn lực cho KHCN, ĐMST”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định nhấn mạnh, trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục khẳng định vai trò của KH-CN, ĐMST là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Phát triển KH-CN, ĐMST nhằm bứt phá tiềm năng, nâng chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Bên cạnh quan tâm đầu tư cho KH-CN từ ngân sách Nhà nước, cần đặc biệt quan tâm đến thu hút nguồn lực từ bên ngoài và xã hội hóa cho ĐMST.
Theo Thứ trưởng, trên địa bàn Thành phố có nguồn lực rất quan trọng là các doanh nghiệp. “Khi nào khơi thông được nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho KH-CN thì đây là nguồn lực cũng như là giải pháp tháo gỡ những khó khăn về trọng dụng nhân tài và cơ chế đặc thù cho các nhà khoa học”, Thứ trưởng Lê Xuân Định khẳng định. Song song với đó, cho phép thử nghiệm các cơ chế chính sách mới, chấp nhận rủi ro trong triển khai ứng dụng công nghệ mới, ĐMST, mô hình kinh doanh mới; gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai.
Thu hút nhân tài không nên dàn trải
Liên quan đội ngũ trí thức lĩnh vực KH-CN, PGS-TS Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TPHCM khẳng định, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM là nơi có lực lượng nhà khoa học đông đảo, mạnh nhất cả nước, có nhiều nhà khoa học “đầu đàn”. Song, câu chuyện là làm sao để tập hợp và phát huy được đội ngũ này phục vụ cho phát triển KH-CN, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước?
PGS-TS Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TPHCM nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Đề cập công tác thu hút nhân tài của TPHCM, theo PGS-TS Dương Hoa Xô, TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc họp, thông qua nhiều chính sách mới về thu hút nhân tài nhưng phải nhìn nhận, với cơ chế hiện nay, việc thu hút nhân tài rất khó khăn. Đó là khó cạnh tranh về chính sách, điều kiện làm việc, chế độ tiền lương đối với khu vực tư. Song, ông cho rằng TPHCM có thể tận dụng được các nguồn lực xã hội. Đó là công tác đào tạo nguồn nhân lực, có thể tận dụng được các nguồn học bổng từ nước ngoài và thông qua cơ chế làm thế nào để người được đi đào tạo trở về phục vụ đất nước và giữ được họ ở lại để cống hiến.
PGS-TS Dương Hoa Xô cũng đánh giá, trong phát triển KH-CN, chuyên gia hay nhân tài cũng chỉ là một số nhỏ thành viên xuất sắc, còn đội ngũ trí thức KH-CN đông đảo hiện đang công tác tại các đơn vị mới quan trọng. Cần phải có giải pháp để tạo điều kiện cho đội ngũ này đủ điều kiện sống, môi trường làm việc và giữ chân được họ.
“Có thể chúng ta cũng bị thất thoát chất xám ra ngoài xã hội. Song, trong bộ máy của Nhà nước hiện nay, đội ngũ KH-CN là xương sống để phát triển KH-CN, do đó cần giữ được đội ngũ này”, PGS-TS Dương Hoa Xô nhấn mạnh và cho rằng không nên đầu tư, thu hút một cách dàn trải mà chọn những ngành nghề trọng điểm. Theo ông, vừa qua, Thành phố thu hút chưa có trọng điểm, bởi nguồn lực, ngân sách có hạn. Nếu thu hút ở các lĩnh vực trọng điểm thì sẽ phát triển, hạn chế lãng phí ngân sách mà hiệu quả cao hơn.