Sáng nay 31-3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có buổi tham quan và làm việc với Trường THPT Trưng Vương (quận 1) và THCS Lý Thánh Tông (quận 8, TPHCM) về tình hình tổ chức ôn tập cho học sinh chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, những tồn tại trong tổ chức và quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường và góp ý Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại buổi làm việc với tập thể giáo viên và Ban Giám hiệu Trường THPT Trưng Vương, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nghe trường giới thiệu về quy mô tổ chức của trường với 45 lớp, trung bình mỗi khối đào tạo hơn 620 học sinh.
Đây là một trong những trường THPT trên địa bàn TPHCM tổ chức tốt dạy học 2 buổi/ngày.
Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, trường đã chuyển sang hình thức dạy học các môn tự chọn. Học sinh được chủ động chọn môn học yêu thích hoặc cần bổ sung thêm kiến thức, trường sẽ phân chia trình độ và xếp lớp, bố trí giáo viên phù hợp.
Ngoài ra, trong thời gian dạy học buổi hai, các tổ bộ môn sẽ biên soạn các chuyên đề dạy học bổ trợ để phát triển kỹ năng, kiến thức cho học sinh. Đơn cử với môn tiếng Anh, qua quá trình giảng dạy, tổ bộ môn nhận thấy học sinh còn yếu kỹ năng nói (speaking), từ đó lên chuyên đề bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng này.
Buổi hai cũng là thời gian nhà trường sử dụng để tổ chức các buổi nói chuyện, hướng nghiệp cho học sinh cả ba khối 10, 11, 12 chứ không hướng nghiệp riêng cho học sinh khối 12.
Nội dung hướng nghiệp theo tinh thần tổ chức sớm và sâu, tạo cơ hội cho các em tham quan trường đại học, cơ sở đào tạo nghề để qua đó giúp các em có thêm hành trang vững chắc trước khi chọn lựa đường đi phù hợp.
Một số hoạt động dạy kỹ năng sống, tiết học ngoài nhà trường cũng được nhà trường linh động sắp xếp vào thời gian này. Đề xuất với lãnh đạo Bộ GD-ĐT, cô Trương Thị Bích Thủy cho biết, hiện nay cái khó của chương trình hiện hành là quy định “số tiết dạy cứng trong từng ngày, ở từng buổi học” khiến đơn vị gặp khó khăn trong bố trí các hoạt động dạy học.
Thay vào đó, đại diện nhà trường kiến nghị Bộ GD-ĐT có quy định tạo cơ chế mở, giúp các trường tùy vào điều kiện thức tế linh động tổ chức các hoạt động giảng dạy.
Cụ thể, Bộ có thể quy định chung số tiết dạy trong một tuần (không phải theo buổi/ngày như quy định hiện nay) đối với từng môn học, nhà trường sẽ dựa vào tổng thời lượng chung đó sắp xếp thời gian dạy học phù hợp, tránh áp lực phải dồn tiết và chủ động phân bổ giáo viên.
Ngoài ra, cũng theo đoàn khảo sát, một trong những cái khó của dạy học buổi hai hiện nay không chỉ riêng TPHCM mà đối với cả nước là hạn chế về cơ sở vật chất trường lớp.
Đơn cử, một trường có 20 phòng học, nếu tổ chức dạy học 1 buồi/ngày sẽ tổ chức được 40 lớp nhưng nếu chuyển qua tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chỉ tổ chức được 20 lớp, chưa tính phải bổ sung một số phòng chức năng đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ và phục vụ bán trú của học sinh.
Riêng đối với công tác ôn tập chuẩn bị Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý các trường phải tổ chức ôn tập trên tinh thần “không bỏ sót, không để một học sinh nào bị lãng quên”.
Việc ôn tập ngoài bồi dưỡng kiến thức cho học sinh khá, giỏi phải chú ý phụ đạo học sinh yếu, xem xét từng trường hợp học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp để tổ chức phụ đạo, bổ sung kiến thức cho các em.
Đối với một số môn như vật lý, hóa học, đại diện các trường kiến nghị Bộ GD-ĐT tăng thêm thời gian thực hành, giảm một số đơn vị kiến thức chưa cần thiết đối với học sinh phổ thông, đặc biệt cần bảo đảm tính xuyên suốt của chương trình, tránh việc kiến thức đã dạy ở trung học cơ sở vẫn tiếp tục dạy lại ở trung học phổ thông.
Song, quan trọng nhất để đánh giá một chương trình vẫn là đòi hỏi phải có thời gian thử nhiệm, kết hợp đồng bộ đổi mới về nội dung chương trình và đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh.