Thứ trưởng Bộ Công thương: Đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà sẽ có cả giảm

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, đoàn công tác của bộ đang rà soát lại chi phí, các thông số cấu thành chi phí giá điện, khi có kết quả mới quyết định thời điểm nào điều chỉnh, nhưng tinh thần là không chỉ tăng mà có thể giảm. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
IMG_0038.jpeg
Cuộc họp báo chiều 19-6 tại trụ sở Bộ Công thương ở Hà Nội. Ảnh: VĂN PHÚC

Tại cuộc họp báo thường kỳ và gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam do Bộ Công thương tổ chức chiều nay (19-6), đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công thương đã thành lập đoàn công tác và đoàn đang trong quá trình làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các bên liên quan để xem xét, đánh giá các yếu tố đầu vào cấu thành giá điện thời điểm hiện tại, từ đó làm cơ sở xem xét có tăng hay giảm giá điện trong thời gian tới.

“Hiện tại, Bộ Công thương đã cử đoàn kiểm tra giá thành điện năm 2023 của EVN để làm cơ sở xem xét, điều chỉnh giá điện năm 2024”, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Hữu, đến thời điểm này, việc kiểm tra chưa có kết quả. Việc tăng giá điện bao nhiêu, vào thời nào sẽ phụ thuộc kết quả kiểm tra này.

Bổ sung thông tin, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trước đây cơ sở chính sách để xem xét điều chỉnh giá điện là Quyết định số 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05 và đã có hiệu lực.

Dựa trên nội dung nêu tại Quyết định 05, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: “Bây giờ, chúng ta đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà sẽ có cả giảm”.

IMG_9755.jpeg
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, nếu chi phí giảm thì giá điện phải giảm ngay. Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, quyết định mới cũng quy định, nếu đủ cơ sở, yếu tố để giảm giá điện khi các chi phí đầu vào giảm 1% thì sẽ phải “giảm ngay”. Còn để tăng giá thì theo Quyết định 05, chỉ được tăng khi các khoản chi phí đầu vào khiến giá thành điện tăng tương ứng ở các mức 3%, 5% hay cao hơn nữa sẽ do từng cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh, nhưng chu kỳ để xem xét phải là 3 tháng một lần.

“Khi chi phí đầu vào, giá thành điện giảm thì chúng tôi sẽ giám sát, xem xét yêu cầu EVN phải giảm ngay. Còn nếu tăng thì phải báo cáo để xem xét, trong thẩm quyền của EVN hoặc của Bộ Công thương hoặc trong thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng phải đánh giá tác động về kinh tế - xã hội của việc tăng giá này”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin.

Tin cùng chuyên mục