Nhóm chuyên gia hệ thống hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức - IVFMD đã nghiên cứu và triển khai thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng với tên gọi là CAPA-IVM. Kỹ thuật này giúp chị em xua tan nỗi lo đau, xoắn buồng trứng, tăng cân đột ngột do quá kích buồng trứng khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) nhưng vẫn đạt hiệu quả tương đương IVF (kỹ thuật dùng tinh trùng và trứng để thụ tinh trong phòng thí nghiệm, tạo thành phôi).
Đây là phác đồ mới - kết quả một công trình nghiên cứu hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ được IVFMD tiên phong ứng dụng. Phôi từ CAPA-IVM được chứng minh là có khả năng có thai gần tương đương với phôi lấy từ trứng sau kích thích buồng trứng. Kỹ thuật này đặc biệt hiệu quả ở những phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang.
"Với IVF, người phụ nữ phải vào viện tiêm thuốc trong hai tuần với khoảng 30 mũi tiêm. Việc tiêm nhiều mũi thuốc đối với nhóm phụ nữ có buồng trứng đa nang (PCOS) làm cho buồng trứng bị kích thích, phát triển quá nhiều nang trứng, gây khó chịu, bụng căng, khó thở và thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng thì CAPA-IVM giúp các chị em giảm đáng kể việc tiêm một lượng lớn thuốc nội tiết tố vào cơ thể, loại trừ nguy cơ gây quá kích buồng trứng”, đại diện nhóm nghiên cứu thông tin.
Đồng thời cho biết, trước đây, nhiều người cho rằng tỷ lệ có thai của IVM thấp hơn IVF nhưng IVM tạo được trung bình hơn 4 phôi, IVF có thể tạo được trên 6 phôi. Nhưng các bác sĩ chỉ sử dụng 2 phôi để đặt vào cổ tử cung nên tỷ lệ có thai với mỗi lần chuyển phôi của hai kỹ thuật này là tương đương nhau.
Hiện tại, CAPA-IVM được chứng minh là có hiệu quả điều trị tốt nhất cho các trường hợp phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang. Nếu một cặp vợ chồng có chỉ định TTTON và người vợ có buồng trứng đa nang, đã khám kiểm tra đầy đủ các xét nghiệm, cho thấy đủ điều kiện làm CAPA-IVM, thì có thể bắt đầu điều trị ngay.