Thu thuế thương mại điện tử - cần bộ phận quản lý chuyên nghiệp

Hoạt động thương mại điện tử đã phát triển rầm rộ, với 3,3 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Trong đó, thị trường Việt Nam được xếp thứ 7 trên thế giới. Thế nhưng, công tác quản lý, thu thuế của chúng ta vẫn đang theo phương thức truyền thống, chưa có bộ phận chuyên môn đủ sức để theo dõi các trang bán hàng trên mạng xã hội, khiến thất thu thuế rất lớn. Đã đến lúc cần xây dựng và đổi mới phương thức quản lý phù hợp…
Chọn mua mỹ phẩm trên mạng. Ảnh: THÀNH TRÍ
Chọn mua mỹ phẩm trên mạng. Ảnh: THÀNH TRÍ

Khoảng trống 

Việt Nam với dân số trẻ, được xếp đứng thứ 7 trên thế giới với 58 triệu người dùng mạng xã hội, được đánh giá là một trong những mảnh đất màu mỡ để phát triển thương mại điện tử. Tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng website, mạng xã hội quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến đều không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Việc bán hàng thu tiền mặt, hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng thu tiền hộ (chỉ sử dụng website, trang mạng xã hội để thực hiện quảng cáo sản phẩm), bán hàng thông qua điện thoại, tin nhắn đang diễn ra khắp nơi nên gây khó khăn cho nhà quản lý. Tuy nhiên, với quy định pháp luật chưa buộc các đơn vị cho thuê máy chủ, các trang mạng xã hội như Google, YouTube, Facebook… hợp tác với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin về các doanh nghiệp, cá nhân vận hành các trang bán hàng khiến cơ quan thuế khó thu thập thông tin để thu thuế.

Ngay bản thân các hoạt động quảng cáo trực tuyến của Google, Facebook, YouTube… cũng chưa được kê khai, nộp thuế tại Việt Nam, đừng nói chi họ cung cấp khách hàng sử dụng trang của họ để kinh doanh thu lợi. Những tồn tại trên đã khiến hoạt động quản lý thuế nói chung và thuế thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong khi đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra về thương mại điện tử đòi hỏi những yêu cầu rất khác so với thanh tra, kiểm tra theo phương thức truyền thống. Chẳng hạn, đòi hỏi cán bộ thanh tra, kiểm tra phải có trình độ cao về tin học, ngoại ngữ và giỏi về các ứng dụng phần mềm hỗ trợ để truy lần dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch để có đủ bằng chứng đấu tranh đối với các hành vi vi phạm. Nhưng thực tế, trình độ công nghệ và điều kiện của cán bộ thuế hiện nay chưa thể đáp ứng nhiệm vụ này. Do vậy, ngay cả những trang bán hàng, quảng bá sản phẩm trên Facebook, Google chạy quảng cáo hàng triệu đồng/ngày nhưng vẫn không thu được thuế.

Mặc dù luật thuế quy định rõ rằng, không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh thương mại điện tử, nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên đều phải nộp thuế, nhưng với chính sách thuế hiện nay là chỉ vận động, thuyết phục nên… thất thu là đương nhiên!

Cơ quan thuế vẫn… chờ

Trước việc thất thu thuế lớn đối với hoạt động quảng cáo, thương mại điện tử thời gian qua, điều người dân kỳ vọng vào sự chủ động của cơ quan thuế khi Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019. Bởi luật này buộc các trang mạng hoạt động có doanh thu tại Việt Nam phải lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam, như vậy cơ quan thuế mới có thể phối hợp lấy dữ liệu và tính thuế. Nếu các trang Google, Facebook, YouTube, Agoda… không hợp tác khai báo, không nộp thuế tại Việt Nam thì cơ quan thuế có quyền yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chặn trang, không cho hoạt động tại Việt Nam. 

Thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020

Theo dự báo của đơn vị đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam, trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, đến năm 2020, thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt mức 10 tỷ USD.

Hiện Việt Nam có 60% dân số sử dụng máy tính và là đối tượng tham gia mua sắm thương mại điện tử. Nielsen Việt Nam cũng thống kê cho thấy 60% người mua sắm trực tuyến là nữ và 40% là nam. Độ tuổi mua sắm online từ 25 - 29 tuổi, chiếm 55%. Đa số người mua hàng online còn sống độc thân, 55% đối tượng khách hàng là nhân viên văn phòng sử dụng dịch vụ mua sắm online. Hiện Việt Nam có 35,8 triệu người sử dụng kết nối internet, con số tăng hàng năm là 11%. Hiện có đến 76% người tiêu dùng mua hàng online khi nhận được hàng đều trả bằng tiền mặt; Nielsen Việt Nam nhận định con số này sẽ giảm và số người thanh toán qua thẻ ngân hàng thời gian tới sẽ tăng. 

KIM HUYỀN

Vậy nhưng, Bộ Tài chính chỉ mới nhẹ nhàng gửi văn bản hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến (Agoda.com, Traveloka.com, Booking.com, Expedia.com…); phối hợp với các nhà mạng để xác định địa điểm kinh doanh hoặc giao hàng; phối hợp với hội đồng tư vấn thuế xã phường rà soát để đưa các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, thương mại điện tử trên Facebook vào diện quản lý. Có nghĩa là cơ quan thuế chỉ mới dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động người kinh doanh trên mạng xã hội cung cấp các thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế cá nhân… để kiểm soát chứ chưa có giám sát, chế tài. 

Trước đây, Tổng cục Thuế cũng có Công văn số 2623/TCT-CS ngày 16-6-2017, đề nghị cơ quan thuế các tỉnh thành phối hợp với các nhà mạng để xác định địa chỉ kinh doanh của cá nhân, phối hợp với hội đồng tư vấn thuế xã phường để đưa vào diện quản lý thuế nếu còn bỏ sót. Đối với cá nhân kinh doanh không có địa điểm cố định để giao dịch với khách hàng, chỉ có địa chỉ trên mạng và số tài khoản cá nhân, bán hàng theo hình thức giao hàng tận nơi thì cơ quan thuế cần phối hợp với các nhà mạng để xác định danh tính cá nhân, số tài khoản ngân hàng, phương thức giao hàng để yêu cầu cá nhân khai thuế theo từng lần phát sinh theo quy định của pháp luật về thuế. Thế nhưng, đến nay chẳng cơ quan thuế nào triển khai hiệu quả.

Mới đây, khi góp ý sửa đổi Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế đã “đá” trách nhiệm cho các nơi. Như yêu cầu Bộ Công thương có trách nhiệm kết nối, cung cấp thông tin liên quan để phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử; Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế để quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; các ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Và Luật Quản lý thuế (sửa đổi) này dự kiến đến năm 2020 mới có hiệu lực thi hành và nếu có được sự phối hợp đó thì từ nay đến năm 2020, một mảng thuế rất lớn trong hoạt động quảng cáo, thương mại điện tử vẫn tiếp tục bị thất thu! 

Tin cùng chuyên mục