Theo sắc luật này, các công ty hoạt động dựa trên nền tảng kỹ thuật số như Google, Facebook, Amazon, Twitter, Netflix… vốn không có trụ sở ở nước này, nhưng lại đang có doanh thu từ người tiêu dùng Indonesia, sẽ là đối tượng chịu thuế. Được sửa đổi lần cuối vào năm 2000, luật thuế hiện hành của Indonesia quy định chỉ các công ty có trụ sở tại Indonesia mới phải nộp thuế. Điều này khiến nhiều công ty kỹ thuật số nước ngoài không phải nộp thuế VAT khi cung cấp dịch vụ trực tuyến cho khách hàng tại Indonesia như đối với các đối tác địa phương.
Cách đây 10 năm, các ngành nghề kinh doanh truyền thống như ngân hàng và năng lượng chiếm ưu thế, còn hiện nay đã bị thay thế bằng các công ty công nghệ. Thế nhưng, hệ thống thuế quốc tế không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số khiến nó bộc lộ nhiều “lỗ hổng”, giúp các công ty công nghệ lợi dụng chỉ trả mức thuế rất thấp, hoặc không phải trả bất cứ đồng thuế nào trong khi thu được lợi nhuận khổng lồ. Do đó, việc thu thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ đem về nguồn lợi lớn cho các quốc gia, tránh được những thiệt hại kinh tế mà các nước trên thế giới đang phải gánh trong kỷ nguyên kỹ thuật số, với sự thống trị của các tập đoàn công nghệ khổng lồ.
Sở hữu dân số lớn thứ tư trên thế giới, Indonesia được đánh giá là một thị trường lớn cho hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số tại khu vực châu Á. Với việc sửa đổi luật thuế, Indonesia đang theo chân một số quốc gia trên khắp thế giới cố gắng tìm cách thu thuế từ những dịch vụ truyền thông trực tuyến hàng đầu và các công ty tương tự.
Hàn Quốc và một số quốc gia khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cân nhắc áp dụng cách đánh thuế mới nhằm vào các công ty công nghệ như Google, Apple, Facebook, Amazon... Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Malaysia bổ sung thuế kỹ thuật số vào dự thảo ngân sách của nước này. Tuy nhiên, một số quốc gia chưa thể áp mức thuế kỹ thuật số là do thực tế hiện nay, theo các nguyên tắc thuế hiện hành, chính phủ không có quyền đánh thuế các doanh nghiệp nước ngoài, nếu họ không có sự hiện diện trong phạm vi địa lý của quốc gia bán hàng.
Hiện Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đại diện cho 120 quốc gia đang nỗ lực giải quyết các thách thức về thuế của xu hướng kinh tế kỹ thuật số. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tổ chức này sẽ sớm đạt được sự đồng thuận cho đến khi công bố báo cáo cuối cùng vào năm 2020.