Cơ bản tán thành với phiên bản mới nhất của dự thảo Luật Căn cước, cũng như nội dung giải trình, tiếp thu đối với dự thảo luật này, song ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như tại Điểm b Khoản 3 Điều 23 dự thảo luật.
“Chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt khi người dân tự nguyện cung cấp, hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trưng cầu giám định. Việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt tiến hành tương tự đối với thu thập ADN và giọng nói của người dân”, ĐB Lưu Bá Mạc bình luận.
ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn). Ảnh: QUANG PHÚC |
Có quan điểm khác, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp. Theo ĐB, thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt là rất khó. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm nhận dạng cố định.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trước đó, nhiều ý kiến ĐB nhận định, việc cung cấp tài liệu muộn khiến cho ĐB gặp khó khăn trong việc nghiên cứu toàn diện, sâu sắc dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến đời sống nhân dân.
Một số ý kiến đề nghị quan tâm củng cố tính bảo mật thông tin cá nhân. Các ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, để tránh việc lạm dụng đánh cắp thông tin của công dân, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu cụ thể hơn về phạm vi khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…