Người dân muốn tới hay không?
“Có lớp học năng khiếu hay yoga nào mở không chú ơi?”. Nghe thấy chúng tôi hỏi, chú bảo vệ Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVH-TT) xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè mới giật mình tỉnh dậy: “Không có lớp nào đâu! Nghỉ cả tháng trước tết rồi, giờ cũng chưa thấy gì hết”. “Vậy khi nào mới có lớp để tới đăng ký học vậy chú? Tụi con không thấy có bất cứ thông tin gì các lớp học trong trung tâm hết?”. “Cái này chú không nắm”, chú bảo vệ cho biết.
Chúng tôi vào bên trong trung tâm với tổng diện tích hơn 6.000m2, kinh phí xây dựng 2 tỷ đồng, nhưng rất im ắng, đìu hiu. Trung tâm có sân bóng mini, có một sân khấu ngay sảnh ra vào khá cũ, vài phòng dạng như phòng học để không. Phòng thư viện, phòng chủ nhiệm, phòng văn hóa thông tin - đài truyền thanh… cửa khóa im ỉm, không có một bóng người. Chỉ có lác đác 4-5 học sinh đang tập nhảy tại sảnh ra vào. “Tụi em tự tới đây tập tự do thôi, chứ không có lớp học”, một học sinh nói.
Ngoài một số hình ảnh đơn giản các hoạt động của xã, không thấy bảng thông báo hay bất cứ thông tin nào về các lớp học năng khiếu, tập luyện thể thao, hoạt động của các câu lạc bộ đội nhóm… Chị Lê Thị M. (31 tuổi, công nhân, ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) ở gần đó, cho biết: “Mình đi làm tăng ca về nhà đã đủ mệt, đâu có thời gian để tập luyện hay tới tham gia các lớp học gì ở xã. Nói chung, không quan tâm lắm ở đó có hoạt động gì”. Đại diện Phòng VH-TT huyện Nhà Bè cho biết, TTVH-TT xã Hiệp Phước xây đã lâu, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt văn hóa hạn chế và nhu cầu của người dân đến đây không cao. “Ở đây có tổ chức các lớp tập luyện thể thao, năng khiếu rồi chiêu sinh, nhưng người dân không mặn mà. Khó đủ thứ, bởi nhu cầu vui chơi giải trí giờ rất đa dạng. Bà con có nhiều loại hình để tham gia giải trí chứ không nhất thiết phải vô trung tâm. Xã, huyện cũng nhiều lần mời doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa nhưng vị trí mặt bằng ở đó không thuận tiện, đầu tư dễ lỗ nên người ta không làm. TTVH-TT huyện còn không xã hội hóa được huống gì cấp xã”, đại diện Phòng VH-TT huyện Nhà Bè nói.
Chúng tôi đến đường Lý Thường Kiệt (phường 15, quận 11), hỏi thăm mãi mới tìm vào được hẻm 281 để tới Nhà văn hóa (NVH) phường 15. “Ủa, trong hẻm có NVH nữa hả? Đó giờ đâu có biết…”, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (39 tuổi, quận 11) tỏ ra ngạc nhiên. Chị nói thêm: “Thật ra tui không quan tâm mấy các hoạt động ở NVH, cũng chưa từng vào các NVH để coi có phòng tập, lớp học bao giờ. Mà thật, muốn đi tập yoga hay học các lớp năng khiếu phải ra mấy trung tâm lớn do tư nhân đầu tư học mới sướng. Cơ sở vật chất tốt mà thầy cô dạy rất bài bản”.
Cơ chế đã có, quan trọng con người
TPHCM hiện nay có 56 NVH phường, 16 TTVH-TT xã của 5 huyện ngoại thành là Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ. Riêng quận 4 và quận 6 không có thiết chế văn hóa cấp phường. Các NVH phường ở nội thành thường diện tích nhỏ hẹp do không có quỹ đất để bố trí xây dựng đủ các phòng chức năng, trong khi ở các quận, huyện vùng ven thì quỹ đất nhiều hơn. Hoạt động khó khăn, khó thu hút người dân là điểm chung ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, thực tế, cũng có người đánh giá cao việc sinh hoạt tại các NVH phường, xã. “Tôi ở khu phố nên hiểu rõ, mỗi lần họp tổ khu phố, làm chương trình theo các ngày lễ, có NVH phường để tới lui rất tiện. Chưa kể, NVH phường có CLB này kia cho người già phường tập dưỡng sinh, có phòng đọc sách, lớp võ thuật cho thanh niên cũng hay. Tuổi nào phù hợp gì thì mình lại tập cái đó. Đỡ nhất là ở gần nhà…”, ông Trần Văn Thành (58 tuổi, ngụ quận 10) phân tích. |
Trước đây, hoạt động của NVH phường, TTVH-TT xã èo uột bởi chưa có quy chế hoạt động, thiếu kinh phí, thiếu đội ngũ quản lý, hầu hết ban chủ nhiệm đều là cán bộ phường, xã kiêm nhiệm. Từ ngày 16-9-2020, UBND TPHCM đã có Quyết định 3354/QĐ-UBND ban hành quy chế (mẫu) về tổ chức và hoạt động của TTVH-TT và Học tập cộng đồng phường, thị trấn. Quyết định 4360 của UBND TPHCM từ năm 2014 trước đó về hoạt động của TTVH-TT xã, liên xã, cụm… cũng đã tạo điều kiện tháo gỡ để các huyện ngoại thành phát triển các thiết chế văn hóa. Thành phố đã có cơ chế rất rõ ràng, UBND quận, huyện phải quan tâm, đặc biệt phó chủ tịch phụ trách văn xã phải bỏ công, cùng TTVH-TT của quận huyện đó đầu tư cho hoạt động văn hóa cơ sở, nâng cấp hoạt động văn hóa phường xã.
“Nâng cấp không phải là xây cái nhà to tướng rồi để đó, mà là bằng nhiều nguồn lực trên địa bàn, vận động xã hội hóa, phải có sự gắn kết các hoạt động ban ngành, đoàn thể, xây dựng quy chế phối hợp để các NVH lúc nào cũng mở cửa. UBND các quận, huyện phải xắn tay vào xây dựng bộ máy. Quan trọng hơn hết là con người tại chỗ phải nhìn ra được nhu cầu của người dân, phải năng động và chịu làm”, đại diện Trung tâm Văn hóa TPHCM nhấn mạnh.