Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội Scotland diễn ra hôm 6-5, đảng Dân tộc Scotland (SNP) cầm quyền giành lợi thế đáng kể trước hai chính đảng còn lại là đảng Bảo thủ Scotland và Công đảng Scotland. SNP giành được 38 ghế trong tổng số 129 ghế tại Quốc hội khóa mới. Trong khi đó, đảng Bảo thủ Scotland mới chỉ giành được 3 ghế, còn Công đảng Scotland giành được 2 ghế.
Với kết quả này, đảng SNP có cơ hội chiếm đa số ghế tại Quốc hội và tiếp tục lãnh đạo Scotland trong nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp. Đây sẽ là nền tảng mạnh mẽ để chính đảng theo đường lối chủ nghĩa dân tộc này thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc độc lập khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh.
Trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Scotland, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ lo ngại khi cho rằng, hầu hết người dân không nghĩ đây là thời điểm thích hợp để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai về một nhà nước Scotland độc lập.
Phát biểu với báo chí, Thủ tướng Johnson nói: “Tôi nghĩ hầu hết người dân Scotland, hầu hết người dân khắp Vương quốc Anh cảm thấy trong bối cảnh chúng ta đang cùng nhau thoát khỏi đại dịch sẽ không phải là lúc để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 một cách thiếu thận trọng, còn tôi thì cho là vô trách nhiệm”.
Năm 2014, Scotland từng diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Vương quốc Anh. Kết quả lúc đó khá sít sao với tỷ lệ 55% chọn ở lại, 45% chọn rời đi. Nhưng kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), điều mà hầu hết người Scotland không ủng hộ, các cuộc thăm dò cho thấy, phong trào độc lập đang mạnh lên.
Nicola Sturgeon, Thủ hiến Scotland kiêm chủ tịch SNP, cho biết, nếu đảng của bà giành được đa số ghế trong Quốc hội Scotland, bà sẽ đặt mục tiêu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong vòng 2 năm. Theo luật của Vương quốc Anh, vấn đề độc lập của Scotland do Quốc hội Vương quốc Anh quyết định. Nhưng, bà Sturgeon rất quyết tâm trong việc tổ chức trưng cầu dân ý khi nói rằng không loại trừ đưa vụ việc ra tòa án nếu Thủ tướng Boris Johnson ngăn cản.
Giáo sư Michael Keating, Khoa Chính trị tại Đại học Aberdeen, Scotland, cho rằng, Chính phủ Anh không thể cứ từ chối mãi người Scotland về cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý thứ hai. Sarah Masson, ứng viên Quốc hội Scotland thuộc SNP, nhận định, nếu Thủ tướng Johnson càng chống lại cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý thì càng nhiều người Scotland muốn điều ngược lại.