Theo đó, từ ngày 16-11-2018 (ngày bắt đầu triển khai MNP) đến ngày 24-3-2019, đã có 224.852 thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số, trong đó có 157.124 thuê bao chuyển mạng thành công (đạt tỷ lệ 69,9%), số thuê bao còn lại bị các nhà mạng từ chối cho chuyển mạng do chưa thỏa các điều kiện cần thiết. Cụ thể số lượng thuê bao đã thực hiện MNP thành công của các nhà mạng như sau: MobiFone có số thuê bao chuyển đến là 22.286, trong khi thuê bao chuyển đi là 20.827; VinaPhone có 75.454 thuê bao chuyển đến, số thuê bao chuyển đi là 45.642; Viettel có 59.036 thuê bao chuyển đến, số thuê bao chuyển đi là 84.608; Vietnamobile có 348 thuê bao chuyển đến và 6.047 thuê bao chuyển đi.
Thời gian qua, câu chuyện quảng cáo, truyền thông của các nhà mạng để lôi kéo thuê bao di động “chuyển về mạng mình” không còn xa lạ. Thậm chí là trở thành tâm điểm truyền thông của một số nhà mạng trong vài tháng qua. Khuyến mãi giá cước, tặng data, gói cước tích hợp, nói về chất lượng 3-4G, về vùng phủ sóng… đều được các nhà mạng đưa ra, áp dụng để giữ chân khách hàng cũ và mời chào thuê bao mới. Một cuộc đua, cạnh tranh khá quyết liệt giữa 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone đã diễn ra với những đợt sóng ngầm liên tục.
Và đó chính là sức ép mới, không hề nhỏ đối với các nhà mạng di động hiện nay. Bởi luật đã cho phép, nếu dịch vụ không tốt, chăm sóc khách hàng không chu đáo… với vô vàn lý do nữa, thuê bao có thể thực hiện rời mạng này để đến với mạng kia mà vẫn giữ nguyên số liên lạc. Điều trước đây không thể làm được, dù khách hàng có mong muốn như thế nào. Ngay từ thời điểm bắt đầu triển khai MNP, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, việc áp dụng dịch vụ này nhằm thúc đẩy cạnh tranh khi thị trường viễn thông ở ngưỡng bão hòa về thuê bao. MNP sẽ đem lại quyền lựa chọn nhà cung cấp có chất lượng dịch vụ và lợi ích phù hợp hơn cho khách hàng. Với MNP, các nhà mạng đứng trước nguy cơ bị mất thuê bao vào tay đối thủ nếu chất lượng dịch vụ họ cung cấp không đảm bảo hoặc sản phẩm dịch vụ không phù hợp với nhu cầu của người dùng.
Điều này khiến các nhà cung cấp phải đưa tiêu chí chất lượng và công tác chăm sóc khách hàng lên hàng đầu. Các mạng di động phải thực sự đầu tư thiết bị, cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ cung cấp. Như vậy, người được hưởng lợi chính là các thuê bao di động, được sử dụng dịch vụ với chất lượng tốt hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của mình.
Một sức ép khác cũng đang dần hiện hữu đối với các nhà mạng di động Việt Nam. Đó là câu chuyện thử nghiệm và tiến tới triển khai thương mại mạng 5G. Đến nay, Chính phủ và lãnh đạo Bộ TT-TT đã quyết tâm sớm triển khai 5G, tránh bài toán “chậm chân so với thế giới” khi 3G và 4G được triển khai ở Việt Nam. Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc phát triển mạng 5G. Theo đó, 5G sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số. 5G với những tính năng vượt trội như băng rộng, tốc độ, mật độ kết nối truyền thông không dây rất cao, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh…
Đây là những nhân tố đóng vai trò nền tảng quan trọng trong thời đại kinh tế số. Với chủ trương khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G. Ngay từ đầu năm 2019, Bộ TT-TT Việt Nam đã triển khai cấp phép tần số cho các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TPHCM. Bài toán hạ tầng, đầu tư, băng tần, kinh doanh, kết nối... trên nền tảng 5G bắt buộc các nhà mạng phải tính toán cẩn thận. Bởi chi phí đầu tư cho mạng 5G chắc chắn không hề nhỏ. Trong khi đó, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn chưa tận dụng tối ưu mạng 3G và 4G hiện có; do có nhiều lý do khác nhau, trong đó câu chuyện băng tần đầy đủ, toàn vẹn cho mạng 4G chưa được thực hiện. Việc sớm triển khai 5G để theo kịp thế giới, phục vụ phát triển nền kinh tế số và các công nghệ phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng 5G là rõ ràng. Nhưng đầu tư và kinh doanh 5G như thế nào, đó là bài toán không hề nhỏ với các nhà mạng Việt Nam ở thời điểm hiện nay!?