Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến trái chiều, mà chính người trong cuộc - cô B.H. (bán rau tại hẻm số 10, quận Bình Thạnh) cũng nhìn nhận: “Nhiều người nói tui làm trò xàm xí, nhẹ hơn thì hỏi bán rau không có túi ni lông lấy gì đựng?”. Điều đó đủ để thấy “sống xanh” muốn tồn tại được là cả một thách thức lâu dài.
“Challenge For Change” (tạm dịch “Thách thức để thay đổi”) trước đây, cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng mạng trên thế giới lẫn Việt Nam. Từ tháng 3-2019, là đỉnh điểm của trào lưu này, những ảnh trước và sau khi dọn rác được nhiều bạn trẻ chia sẻ liên tục lên mạng xã hội.
Tại khu vực bãi Đá Đen thuộc bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng), nhóm bạn trẻ sau nhiều tuần lễ dọn dẹp đã nhận được thư tuyên dương từ lãnh đạo TP. Bạn trẻ tại nhiều địa phương khác cũng nhanh chóng hưởng ứng. Tuy nhiên, những kết quả này duy trì được trong bao lâu thì không ai rõ và cũng không ai kiểm chứng. Hình ảnh trước và sau khi dọn dẹp rác cũng giảm dần tần suất xuất hiện trên mạng xã hội, các trào lưu giải trí với những hashtag mới bắt đầu nổi lên trên mạng xã hội khắp toàn cầu.
Những sản phẩm được cho là “sống xanh” góp phần làm giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường ban đầu nhận được sự ủng hộ từ nhiều người. Hàng loạt cửa hàng ở những thành phố lớn bắt đầu dùng lá chuối để gói thực phẩm, ống hút tre, ống hút cỏ, ống hút giấy, ống hút inox… cũng được nhiều quán cà phê đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, duy trì được điều này trong bao lâu vẫn là còn là một câu hỏi khó và chưa có câu trả lời cụ thể.
Anh H.T. (chủ một cửa hàng túi xách trên đường Điện Biên Phủ, quận 3) ngậm ngùi cho hay, cửa hàng của anh đã phải tạm ngưng sản xuất túi quai vải (loại túi có thể giặt và sử dụng nhiều lần thay cho túi ni lông) dùng để đựng cà phê mang đi, vì sau khi Challenge For Change giảm bớt độ “hot”, khách hàng cũng không còn quan tâm đến sản phẩm này.
“Những ngày đầu khách hỏi mua khá nhiều, thậm chí có khách còn chụp hình sản phẩm lúc sử dụng để phản hồi về cửa hàng. Tuy nhiên, khoảng một tuần sau đó, lượng khách mua giảm hẳn. Có khách thẳng thắn nói không thích dùng túi này vì ngại giặt giũ, dùng túi ni lông cho tiện, với lại cũng chỉ là một ly nước mang đi nên không cần phải mất công đầu tư quá nhiều túi xách này nọ”, anh H.T. cho hay.
Anh Minh, chủ một quán cà phê tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), cũng cho biết: “Hiện quán phải dùng lại ống hút nhựa, vì khi dùng ống hút giấy, giá thành cao hơn. Nếu quán nâng giá đồ uống lên một chút thì khách hàng phàn nàn. Để duy trì công việc kinh doanh, quán cũng không còn cách khác, bây giờ quán chủ yếu hạn chế dùng ly nhựa, hoàn toàn dùng ly thủy tinh và ly giấy”.
Trước khi có thể lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả xã hội nhất định, có lẽ “sống xanh” cần phải vượt qua nhiều thử thách, mà trong đó là ý thức con người và bài toán lợi nhuận kinh doanh. Làm được vậy, may ra “sống xanh” mới hy vọng không là một trào lưu sớm nở tối tàn.