Ngoài ra, với việc công bố đã đàm phán thành công với YouTube và Facebook trong việc thu phí bản quyền, VCPMC đã tiến thêm một bước dài trong việc thực thi quyền tác giả trong âm nhạc.
Mở ra một lãnh địa đầy mới mẻ
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC, cho biết, tính đến hết tháng 12-2018, tổng số thành viên VCPMC cả nước đã ủy quyền là 3.988 tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả.
Năm 2018 có thể nói là một năm “bội thu” tiền tác quyền các tác phẩm âm nhạc. Các nhạc sĩ ở tốp đầu tiên có tới gần 400 triệu đồng tiền tác quyền, tốp giữa là khoảng hơn 200 triệu đồng tiền tác quyền. Để có được kết quả như vậy, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là một cuộc chiến bền bỉ và lâu dài.
Hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền tác giả đang diễn ra tràn lan ở nhiều lĩnh vực sử dụng âm nhạc, điển hình là lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả. Hàng trăm chương trình biểu diễn đã né tránh thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả theo quy định.
Nhiều tổ chức, cá nhân chưa có ý thức, nhận thức đầy đủ trong việc thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, không thực hiện hoặc tìm cách để không phải trả tiền bản quyền. Theo VCPMC, một số tác giả vẫn chưa chú trọng đúng mức việc bảo vệ cũng như khai thác quyền tài sản đối với các tác phẩm do mình sáng tác, chưa hiểu được tầm quan trọng của tác quyền âm nhạc.
Ông Đinh Trung Cẩn cho biết: “Hiện chúng tôi đang bổ sung các kỹ sư công nghệ thông tin cũng như đầu tư máy móc để đảm bảo kiểm soát được toàn bộ nguồn sử dụng của các đơn vị, thông qua đó, những tác phẩm nào thuộc VCPMC sẽ được báo cho các đơn vị để họ chuyển tiền chi trả. Không chỉ các trang đó mà nhiều website âm nhạc khác trên thế giới, chúng tôi cũng đang xúc tiến ký kết để đảm bảo quyền lợi của các nhạc sĩ. Theo tôi, công nghệ số đang ngày càng phát triển thì chúng ta sẽ kiểm soát được tốt hơn và tiền tác quyền sẽ được thu đúng, thu đầy đủ hơn”.
Minh bạch hóa dữ liệu
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực thi quyền tác giả âm nhạc, VCPMC còn gặp nhiều khó khăn, do vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa có ý thức và nhận thức đầy đủ trong việc thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả; một số tác giả vẫn chưa chú trọng đúng mức trong việc bảo vệ cũng như khai thác quyền tài sản đối với các tác phẩm do mình sáng tác.
Một số trường hợp tác giả tuy đã chính thức ký hợp đồng ủy thác với VCPMC để khai thác quyền tác giả ở các lĩnh vực nhưng lại vẫn tiếp tục ký hợp đồng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác, gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của chính các tác giả, đồng thời gây khó khăn cho VCPMC trong quá trình cấp phép, làm việc, đàm phán với các đơn vị sử dụng âm nhạc.
Liên quan đến thực thi bảo vệ tác quyền trên mạng, VCPMC cũng đã yêu cầu các đơn vị vi phạm rút gần 2.000 link vi phạm quyền tác giả âm nhạc. Việc rút các link đó gây thiệt hại không nhỏ cho các trang vi phạm, vì họ đã lỡ ký hợp đồng quảng cáo, sẽ phải đền bù thiệt hại khá lớn nên trong nhiều trường hợp, họ bắt buộc phải chi trả tiền tác quyền.
“Tôi khẳng định, với hướng đi cập nhật theo xu hướng công nghệ 4.0, trong thời gian tới, tiền sẽ chảy về túi các nhạc sĩ”, ông Cẩn nói.
Một thông tin khác, YouTube cũng đã gửi về VCPMC hơn 21 triệu link để trung tâm này xác định đâu là tác giả thuộc quyền bảo vệ của mình, từ đó loại bỏ những link không thanh toán tiền tác quyền và thu tiền những đơn vị sử dụng tác phẩm do VCPMC quản lý.
Năm 2019, việc bảo vệ tác quyền âm nhạc của các tác giả cũng sẽ được nâng thêm một bước khi VCPMC tăng cường rà soát, xử lý vi phạm về quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả thành viên… bằng những biện pháp mạnh hơn.
Website mới của trung tâm dự kiến hoàn tất vào tháng 2-2019 nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, thuận lợi trong việc kết nối tác giả thành viên cũng như tạo điều kiện để người sử dụng âm nhạc có thêm thông tin và tra cứu.