Thiếu vốn theo GAP, thu hoạch yếu
Những năm gần đây, năng suất, chất lượng các loại trái cây của ĐBSCL không ngừng tăng lên nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh, tuyển lựa sử dụng giống mới. Các loại trái cây nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu Cao Lãnh, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh… luôn được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, trong năm 2021 việc tiêu thụ đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, dự báo, trong quý 1-2022, sản lượng trái cây ĐBSCL đạt khoảng 1,6 triệu tấn nhưng việc tiêu thụ sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Trong bối cảnh thị trường trái cây thế giới ngày càng cạnh tranh gay gắt giữa các nhà xuất khẩu, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng trái cây của Việt Nam là việc làm cần thiết.
Mong muốn là vậy nhưng việc chuyển đổi với người nông dân không hề dễ dàng. Ông Đào Văn Minh, Tổ phó Tổ hợp tác Bưởi da xanh Phú Thành, xã Qưới Sơn (huyện Châu Thành, Bến Tre), bộc bạch: Lâu nay bưởi da xanh luôn hút hàng, giá 40.000- 60.000 đồng/kg, nhưng gần đây giá bưởi sụt còn 10.000-12.000 đồng/kg, do tác động của việc xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn. Xem như nông dân trồng bưởi hiện không lời.
Để nâng chất lượng trái cây, cần đẩy mạnh sản xuất VietGAP và Global GAP. Nếu áp dụng các tiêu chuẩn này, mỗi năm nông dân cần 200 triệu đồng trở lên để đầu tư canh tác theo tiêu chuẩn cho 1ha bưởi da xanh. Với số vốn trên, đa phần nông dân vay ngân hàng, nếu bán được giá, không nói gì, nhưng giá thấp thì không biết lấy tiền đâu trả lãi, trả vốn. Chưa hết, một số nhà vườn được nhà nước đầu tư ban đầu để sản xuất theo GAP, nhưng sau 2 năm phải làm lại, vì chi phí quá lớn nông dân không theo nổi.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh nhà là vựa xoài của miền Tây nhưng thu nhập bà con vẫn không ổn định vì thiếu đầu tư bài bản. Từ những năm 2005, Đồng Tháp đã tập trung đầu tư cho cây xoài, đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đê bao chống lũ, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, cải tạo giống, xử lý ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái, sản xuất tiêu chuẩn GAP..., nhất là xây dựng mô hình “cây xoài nhà tôi” để bán hàng qua mạng.
Từ đó, hình thành nên vùng nguyên liệu xoài tập trung ở huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh, có 977,6ha xoài được cấp mã vùng xuất khẩu sang những thị trường khó tính và 4.228ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc... Cái khó hiện nay là thu hoạch thủ công dẫn đến tỷ lệ hao hụt khá lớn, có khi đến 70%. Nhà vườn nơi đây thu hoạch bằng tay, sau đó bảo quản yếu kém vì thiếu kho lạnh, kho dự trữ. Do vậy, muốn đảm bảo chất lượng xoài, phải có vốn đầu tư kho dự trữ.
Gánh nặng logistics
Trong chuỗi xuất khẩu trái cây, dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng. Ông Phạm Tiến Hoài, Tổng giám đốc Hanh Nguyen Logistics, cho biết: Chi phí logistics của nông sản Việt Nam rất cao, chiếm đến 30%, trong khi Thái Lan là 12,5%, thế giới là 14% nên trái cây chúng ta đã mất lợi thế cạnh tranh nghiêm trọng.
Ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang, kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, duy tu kênh Quan Chánh Bố, đảm bảo cho tàu biển có trọng tải lớn vào các bến cảng biển trên sông Hậu. Đây là vấn đề sinh tử đối với sự phát triển logistics vùng ĐBSCL.
Đồng thời, mở rộng và nạo vét kênh Chợ Gạo trên tuyến thủy lộ quốc gia, huyết mạch nối TPHCM, Long An với các tỉnh miền Tây Nam bộ, đảm bảo cho loại sà lan trọng tải trên 3.000 tấn… lưu thông thuận lợi hai chiều, không phụ thuộc vào con nước lớn ròng. Từ đó, rút ngắn thời gian vận tải cũng như chi phí vận tải cho hàng hóa, nhất là container tuyến TPHCM - Long An - Tây Nam bộ - PhnomPenh (Campuchia).
Cùng chung nhận định, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng, hiện nay chuỗi cung ứng logistics còn phân tán và manh mún, thiếu các trung tâm logistics đáp ứng toàn diện nhu cầu xuất khẩu trái cây nói riêng và nông sản nói chung.
Hệ thống cảng biển tại ĐBSCL cũng thiếu, nhất là cảng nước sâu; cộng với việc chi phí lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đó, nông sản bị kìm hãm bởi gánh nặng logistics. Đây là bài toán khó khiến cả nông dân và doanh nghiệp trăn trở.