“Thủ phủ” thanh long tìm hướng đi bền vững

Tỉnh Bình Thuận được biết đến là vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất cả nước, sản lượng hàng năm trên 600.000 tấn, thu hút trên 30.000 lao động tham gia sản xuất. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, giá thanh long xuống thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh, dẫn đến việc người dân đang quay lưng với loại cây từng giúp họ vươn lên làm giàu.
Thu hoạch thanh long tại “thủ phủ” thanh long Bình Thuận
Thu hoạch thanh long tại “thủ phủ” thanh long Bình Thuận

Diện tích giảm sâu

Có mặt tại vùng trồng thanh long lớn nhất tỉnh Bình Thuận, không khí khá trầm lắng. Những vườn thanh long bạt ngàn năm xưa, nay dần bị thu hẹp, thay thế vào đó là những loài cây mít, ổi, cam, quýt… còi cọc, chưa chịu phát triển do còn lạ chất đất.

Gần 15 năm gắn bó với nghề trồng thanh long, cuối năm 2022, hộ ông Lê Văn Trình (ngụ huyện Hàm Thuận Nam) đã phải thuê người để phá bỏ một nửa diện tích. “Thời hoàng kim, cây thanh long từng cho gia đình tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hơn 2 năm qua, thanh long bán không ai mua. 3 vụ thanh long bị mất giá liên tiếp, tôi quyết định phá bỏ một phần diện tích để chuyển sang trồng mít Thái, nhưng ngặt nỗi là đất bị nhiễm mặn nên không phù hợp”, ông Trình buồn bã. Bà Trần Thị Khanh (ngụ huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết: “Làm thanh long giờ như phải nín thở, hồi hộp không biết làm xong có được giá hay phải đổ bỏ. 3 vụ mùa liên tiếp, thanh long bán không được giá, nợ ngân hàng, nợ tiền phân thuốc, buộc tôi phải bán bớt đất để trả nợ”.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, đến cuối tháng 12-2022, diện tích thanh long toàn tỉnh chỉ còn khoảng 27.900ha, giảm gần 5.000ha so với cuối năm 2021.

Ổn định diện tích, mở rộng thị trường

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận thông tin, thời gian qua, thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như nước ép, rượu vang, các sản phẩm sấy… Trong đó, thị trường tiêu thụ nội địa khoảng 15%-20%, còn lại là xuất khẩu chủ yếu theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Theo số liệu tổng hợp từ các tỉnh, lượng thanh long xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung khá lớn (khoảng 1 triệu tấn/năm), phần lớn là thanh long Bình Thuận. “Tuy nhiên, đây là phương thức bán hàng phụ thuộc vào người mua nên giá cả thường xuyên biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất thanh long của tỉnh khi thị trường này có sự thay đổi về chính sách hoặc bị ách tắc do thiên tai, dịch bệnh…”, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, chia sẻ.

Để phát triển thanh long bền vững, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho rằng, người dân không nên ồ ạt chuyển đổi cây trồng, mà trước hết phải phát triển diện tích thanh long theo hướng tập trung, phù hợp với quy hoạch và nhu cầu thị trường, ổn định diện tích hiện có. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn (VietGAP, GlobalGAP), sản phẩm có chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh; tiếp tục phối hợp Sở Công thương nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin về cơ chế, chính sách, hoạt động buôn bán biên mậu tại các cửa khẩu với Trung Quốc để cung cấp cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, có hợp đồng mua bán rõ ràng, giảm rủi ro trong khâu giao thương.

“Địa phương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, tiếp tục phát triển thêm các kênh phân phối trong nước; tăng cường xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chế biến từ quả thanh long để góp phần giảm bớt áp lực tiêu thụ quả thanh long tươi”, ông Phan Văn Tấn nhấn mạnh.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết, liên quan đến bản quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Hoàng Phát) đã khiến nhiều nông dân, doanh nghiệp không xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản và Hàn Quốc được, ngành chức năng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong việc thương lượng, đàm phán. Về phía Hoàng Phát, họ không yêu cầu bản quyền đối với các thị trường khác, nhưng đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải cùng đàm phán thương lượng về bản quyền giống.

Giống thanh long ruột đỏ LD1 được Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo. Tháng 11-2016, viện đã được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1. Năm 2017, viện chuyển nhượng quyền bảo hộ giống LD1 cho Hoàng Phát với giá 5 tỷ đồng. Điều đáng nói là trước khi chuyển nhượng, viện đã bán giống thanh long này ra ngoài cho bà con nông dân và được bà con mở rộng diện tích trồng. Hiện, Hoàng Phát đã thực thi công tác bảo hộ thương mại trái thanh long ruột đỏ LD1 đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước tình hình này, Sở NN-PTNT tỉnh Long An sẽ tổ chức buổi họp giữa các bên để bàn cách giải quyết thỏa đáng.

NGỌC PHÚC

Tin cùng chuyên mục