Ngay sau khi phía Trung Quốc có thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam, tại tỉnh Bình Thuận, nơi có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất cả nước, giá loại trái cây này đột ngột giảm sâu.
Sáng 30-12, đại diện Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết, ngay sau khi phía thị trường Trung Quốc có thông báo tạm ngưng nhập khẩu trái thanh long của nước ta (từ 29-12-2021 đến hết ngày 26-1-2021) vì phát hiện trên bao bì và trái dương tính với dịch Covid-19, nên giá loại trái cây này đã giảm mạnh.
Bà Lê Thị Phương (thương lái thu mua thanh long ở tỉnh Bình Thuận) thông tin, đến sáng 30-12, giá thanh long loại đẹp để xuất khẩu chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với cách đây vài ngày. Còn thanh long loại hàng dạt thì hiện hầu như không thương lái nào thu mua.
Người trồng thanh long ở Bình Thuận đang lo lắng vì giá loại trái cây này bị rớt giá
Hộ ông Nguyễn Trí Thanh (ngụ huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đã tỏ ra "sốc" khi biết tin chỉ sau vài ngày, giá thanh long đã giảm gần chục giá so với tuần trước.
"Gia đình tôi đang chong đèn nghịch vụ gần 5 sào thanh long, hiện lứa trái chỉ còn 2-3 ngày nữa là thu hoạch. Vậy nhưng với giá chỉ còn vài ngàn đồng/kg thì xem như gia đình tôi bị lỗ nặng", ông Thanh buồn bã cho biết.
Còn hộ ông Lê Văn Khải (ngụ huyện Hàm Thuận Nam) cùng đang "đứng ngồi không yên" vì gần một hécta thanh long nghịch vụ của gia đình đã tới kỳ thu hoạch nhưng vẫn đang phải neo trái để chờ giá lên. "Chi phí trong đèn thanh long nghịch vụ rất cao. Tiền điện, tiền phân bón, nhân công,... năm nay đều cao hơn năm trước, vậy mà thương lái tới vườn chỉ trả 6.000 đồng/kg. Với giá này, gia đình tôi sẽ bị thua lỗ cả trăm triệu đồng", ông Khải bộc bạch.
Theo nông dân địa phương, thanh long nghịch vụ giá phải đạt trên 10 ngàn đồng/kg thì người trồng mới huề vốn, còn giá chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg thì xem như bị lỗ nặng. Đồng thời, hàng năm, người trồng thanh long thường đặt rất nhiều kỳ vọng vào vụ tết. Tuy nhiên, trước tình hình giá cả đang giảm sâu đang khiến nông dân Bình Thuận điêu đứng, chưa biết xử lý thế nào.
"Trong vài ngày tới, lứa thanh long nghịch vụ phục vụ thị trường trước và trong Tết Nguyên đán sẽ chín rộ, sản lượng sẽ rất lớn. Nếu tình hình xuất khẩu còn gặp khó thì chúng tôi chỉ có nước đổ bỏ thanh long thôi!", ông Khải lo lắng.
Hàng ngàn tấn thanh long của tỉnh Bình Thuận đang gặp khó khăn về tiêu thụ do Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu Đại diện Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết, thời điểm Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long trùng với dịp cao điểm sản xuất, xuất khẩu thanh long phục vụ thị trường tết của tỉnh Bình Thuận nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận thông tin, hiện xuất khẩu thanh long bằng đường bộ qua thị trường Trung Quốc đã không thể thông quan. Trong khi đó, thanh long đi đường biển thì hiện không có container để chở hàng nên giá thanh long giảm mạnh là điều dễ hiểu.
"Thanh long xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường bộ mất khoảng gần 1 tháng, còn nếu xuất bằng đường biển hiện phải mất gần 2 tháng nên thanh long rất khó bảo quản. Trong khi đó, hiện nay chi phí xuất khẩu thanh long bằng đường biển tăng quá cao. Trước đây 1 container (gần 20 tấn) tốn khoảng 60-70 triệu đồng, nay lên tới gần 200 triệu đồng. Chi phí này quá cao!", ông Huỳnh Cảnh nhấn mạnh.
Không chỉ nông dân, doanh nghiệp thu mua thanh long ở tỉnh Bình Thuận cũng đang rất lo lắng Còn ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận thông tin, trước tình hình xuất khẩu thanh long qua thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn, đơn vị đã thông tin cho các hộ dân và doanh nghiệp biết để có giải pháp tiêu thu và thu hoạch cho phù hợp. Trong đó, tuyên truyền các doanh nghiệp tăng cường kết nối tiêu thụ trong nước, các siêu thị,... để tiêu thụ lượng hàng cho bà con.
"Việc Trung Quốc tạm dừng thu mua thanh long ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, tiêu thụ thanh long của tỉnh. Chúng tôi đã khuyến cáo bà con cần có kế hoạch sản xuất, thu hoạch cho phù hợp. Đồng thời, người dân cần hạn chế xử lý thanh long trái vụ, chờ thông tin, khuyến cáo mới từ phía các cơ quan chức năng", ông Phan Văn Tấn cho biết.
Theo thống kê, tỉnh Bình Thuận đang là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất cả nước với trên 32.000ha. Hàng năm sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn. Khoảng 80-90% sản lượng thanh long của tỉnh chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Dự kiến sản lượng thu hoạch thanh long từ tháng 7 cho đến cuối năm 2021 là 437.000 tấn.
Theo thông tin từ Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, cơ quan chức năng của phía Trung Quốc đã có thông báo về việc tạm dừng tiếp nhận mặt hàng thanh long qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn từ ngày 29-12-2021 đến hết ngày 26-1-2022 để thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch Covid-19. Hải quan các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng đã hội đàm trực tiếp với Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) để tìm phương án cho hàng hóa Việt Nam có thể thông quan sang Trung Quốc, song, cơ quan này cho biết chính sách của Trung Quốc hiện nay vẫn là “Zero Covid-19”. Vì vậy từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình hình xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc còn tiếp tục khó khăn, đề nghị các doanh nghiệp và địa phương ở phía Nam chủ động điều tiết nguồn cung hàng hóa, hạn chế đưa hàng hóa ra cửa khẩu phía Bắc. Sau một ngày Trung Quốc thông báo tạm dừng tiếp nhận thanh long, đến ngày 30-12, khoảng 500 xe chở thanh long bị mắc kẹt tại Lạng Sơn đã quay đầu về thị trường nội địa tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp, thương lái điêu đứng vì đã “ôm” hàng nhưng không xuất khẩu được. Để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT hỗ trợ các giải pháp thúc đẩy kết nối tiêu thụ tại thị trường nội địa, đưa ra phương án chế biến, bảo quản đối với mặt hàng thanh long với những xe đang chờ xuất. Mới đây, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan sớm xúc tiến hình thức xuất khẩu nông sản qua đường sắt để đưa thẳng hàng hóa vào thị trường Trung Quốc, giảm thiểu các khâu giao nhận trực tiếp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch như hiện nay. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đang nghiên cứu cơ chế hợp tác thí điểm giữa các tỉnh biên giới Việt - Trung để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm dịch, sơ chế và đóng gói trái cây tươi xuất khẩu chất lượng cao. Sau khi trái cây được xử lý qua trung tâm này sẽ được đưa đi tiêu thụ thẳng tại thị trường Trung Quốc và các thị trường khác mà không cần phải xếp dỡ, hạ tải để khử khuẩn như quy trình hiện nay. Qua đó, thời gian thông quan sẽ được rút ngắn đáng kể, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trước mắt, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Ngoại giao cùng Tổng cục Hải quan trao đổi, hội đàm với cơ quan chức năng của phía Trung Quốc để thống nhất các tiêu chuẩn kiểm dịch giữa hai nước, sớm khôi phục lại hoạt động xuất nhập khẩu thanh long. PHÚC VĂN |
NGUYỄN TIẾN