Trang trại thua lỗ
Tỉnh Đồng Nai có 2,56 triệu con heo, đàn gà 23,4 triệu con… được nuôi tập trung ở các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu. Chỉ tính riêng năm 2022, sản lượng ngành chăn nuôi đạt 644.553 tấn, tỷ lệ thịt xẻ các loại 491.711 tấn.
Tuy nhiên tại xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) hiện chỉ còn 10 trang trại tư nhân được đầu tư quy mô lớn duy trì đàn heo. Anh Trần Quốc Đạt, chủ trang trại heo 1.000 con ở ấp Tân Lập 2 (xã Cây Gáo) cho biết, hiện giá heo hơi 48.000 đồng/kg, trong khi cám có giá 360.000 đồng/bao.
Tính ra, mỗi con heo phải nuôi từ 6-7 tháng mới xuất chuồng thì chủ trang trại lỗ 600.000-1 triệu đồng/con. “Hơn 10 năm nuôi heo, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có tình cảnh cơ cực thế này, công nhân đòi tăng lương, giá heo hạ, chi phí thì tăng. Cứ đà này, hết tháng 4 thì trang trại phải treo chuồng”, anh Đạt buồn bã nói.
Không chỉ trang trại nhỏ lẻ mà các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng gặp khó. Công ty TNHH MTV Bình Minh (Khu công nghiệp Dầu Giây, huyện Thống Nhất) là một trong những cơ sở nuôi gà lớn nhất tỉnh Đồng Nai, nhưng nay doanh nghiệp này chỉ còn nuôi hơn 200.000 con gà. Hiện giá thành gà công nghiệp giảm sâu, dao động 20.000-30.000 đồng/kg, có khi thấp hơn, khiến mỗi lứa gà xuất chuồng, doanh nghiệp lỗ ít nhất 30%.
Một hộ nuôi heo ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) lo lắng thua lỗ vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao |
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, chi phí vận chuyển, giá vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất tăng cao đang ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. Hiện chuỗi liên kết giữa cơ sở chăn nuôi hộ gia đình với các đơn vị thu mua, chế biến còn yếu, sản phẩm khó cạnh tranh được với các chuỗi kép kín của các doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - FDI).
Chung tay gỡ khó
Theo ghi nhận của PV báo SGGP, đa số doanh nghiệp, chủ trang trại hay hộ nông dân ít nhiều đều vay vốn từ các ngân hàng thương mại và chịu quy luật của thị trường “lời ăn, lỗ cầm sổ đỏ”. Hiện tại, Đồng Nai đang thực hiện di dời và ngưng hoạt động đối với hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi heo (chiếm hơn 50% sản lượng ngành chăn nuôi của tỉnh), khiến nhiều chủ trang trại “đứng ngồi không yên”.
Ông Lê Văn Quyết (Hợp tác xã Long Thành Phát, huyện Long Thành) lo lắng: “Tỉnh chủ trương di dời trang trại nuôi heo gây ô nhiễm, nhưng các hộ dân chưa biết trại nào phải di dời, trại nào đủ điều kiện tiếp tục chăn nuôi để tránh gây đứt gãy chuỗi sản xuất, đặc biệt với những trại lớn khi di dời cần được giới thiệu đất thuê, hỗ trợ vốn vay để xây mới chuồng trại”.
Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương (nguyên liệu chính làm thức ăn chăn nuôi) từ 2% xuống mức 0% để hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và ngành chăn nuôi.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cũng viết tâm thư gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bày tỏ nguyện vọng cho người chăn nuôi được gia hạn nợ gốc, giảm lãi suất và các ngân hàng thương mại mở gói vay đặc thù cho lĩnh vực đầu tư trang trại.
“Nếu không được hỗ trợ vốn, các cơ sở chăn nuôi đứng trước nguy cơ phá sản. Cơ quan chức năng xem xét gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của Ngân hàng Nhà nước giúp gỡ khó khăn về vốn đầu tư xây chuồng trại, mua con giống để vực dậy ngành chăn nuôi”, ông Nguyễn Trí Công kiến nghị.
Tại buổi đối thoại giữa nông dân với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại, chính sách xã hội, các quỹ tín dụng địa phương có giải pháp về tiền tệ, tín dụng để hỗ trợ vốn phát triển ngành chăn nuôi.
Đồng thời, giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp sở, ngành địa phương nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp, hợp tác xã (trong đó có doanh nghiệp chăn nuôi).