Tạo nguồn lực phát triển hạ tầng
Năm 2023, TPHCM dự kiến thu được khoảng 3.000 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển. Từ nguồn thu này, Sở GTVT TPHCM kiến nghị UBND TPHCM bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 11 dự án kết nối hạ tầng cảng biển, với tổng số vốn khoảng 30.592 tỷ đồng. Đó là các dự án: nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ đường Vành đai 2 đến Khu công nghiệp Phú Hữu (TP Thủ Đức); 3 dự án khép kín đường Vành đai 2; xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến đường Vành đai Đông đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy; xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu (578 tỷ đồng); xây cầu Thủ Thiêm 4 (5.300 tỷ đồng); nâng cấp cầu Bình Triệu 1; cầu Bình Phước 1.
Phí hạ tầng cảng biển là một trong những loại phí nằm ngoài danh mục Luật Phí và lệ phí, đã được thành phố vận dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và triển khai khá hiệu quả. Từ ngày 1-4 đến ngày 31-12-2022, thành phố đã thu phí hạ tầng cảng biển được gần 1.900 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2018, TPHCM cũng tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu ô tô trên địa bàn. Với mức phí thấp nhất là 20.000 đồng mỗi giờ cho 2 giờ đầu tiên, 25.000 đồng mỗi giờ cho giờ thứ 3 và thứ 4, từ giờ thứ 5 trở đi là 30.000 đồng/giờ. Mức phí cao nhất là 40.000 đồng/giờ tính từ giờ thứ 5 trở đi áp dụng với khu vực 1 (quận 1, 3, 5). Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, việc tổ chức thu phí sử dụng tạm lòng đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi các quận trung tâm thiếu bãi giữ xe.
Theo Sở GTVT TPHCM, việc thu phí đã góp phần giúp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường. Bên cạnh việc thu phí đậu xe dưới lòng đường đã được áp dụng, thành phố đang xây dựng dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố dự kiến cho sử dụng tạm một phần vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo... có thu phí, sau khi chừa đủ tối thiểu 1,5m cho người đi bộ.
Nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp
Thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, TPHCM cũng thu phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp với mức tăng từ 5 đến 6 lần so với thu theo quy định hiện hành. Qua 5 năm thực hiện, thành phố thu được 132 tỷ đồng. Theo UBND TPHCM, lợi ích lớn từ việc thu phí bảo vệ môi trường như trên là tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Khi áp dụng mức thu phí cao, các doanh nghiệp đã cải tiến quy trình sản xuất, giảm thiểu lượng nước sử dụng, giảm thiểu lưu lượng nước xả thải ra môi trường.
Ngoài ra, thành phố cũng tính đến việc thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (áp dụng cho tất cả các loại hình đăng ký đất đai thuộc danh mục do Bộ TN-MT ban hành) và thu phí tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại các kho, bãi cùng một số loại phí khác. Song, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thành phố đã tạm dừng triển khai.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng chia sẻ, mặc dù thành phố đã ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông do nguồn vốn còn hạn chế, dẫn đến tiến độ đầu tư, nâng cấp mở rộng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn và lạc hậu so với khu vực. Vì vậy, thành phố tiếp tục đề xuất Quốc hội được chủ động, linh hoạt trong thực hiện chính sách phí, lệ phí, như thu phí đậu ô tô, thu phí các loại phương tiện cơ giới cá nhân tham gia lưu thông vào trung tâm… là để có thêm nguồn lực phát triển.
Trước đề xuất này, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét, đây là một trong những giải pháp để có thêm nguồn lực, đáp ứng những đòi hỏi của một TPHCM - là động lực tăng trưởng của cả nước. Theo TS Võ Trí Thành, cơ sở hạ tầng của TPHCM đang lạc hậu, ách tắc mà một trong những nguyên nhân là thiếu vốn đầu tư. Trong khi ngân sách Trung ương phân bổ cho TPHCM còn giới hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của thành phố thì Quốc hội, Trung ương cần tạo thế chủ động để thành phố có điều kiện huy động được các nguồn thu. Song, chuyên gia này cũng khuyến nghị, khi thực hiện các chính sách thu phí, lệ phí, thành phố cần đảm bảo tính công khai, minh bạch và mục đích sử dụng với các nguồn thu này. Đặc biệt, phải thông tin để người dân, doanh nghiệp hiểu việc thu phí là để tạo nguồn lực chỉnh trang hạ tầng, phục vụ cho chính hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
* TS PHAN PHƯƠNG NAM, Trường Đại học Luật TPHCM: Đánh giá kỹ tính lan tỏa
Việc cho TPHCM được thu một số loại phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật Phí và lệ phí là cần thiết, do hiện nay, tỷ lệ ngân sách Trung ương phân bổ về lại cho TPHCM còn hạn chế. Trong khi đó, TPHCM được xác định là đầu tàu kinh tế của cả nước, là động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì trước hết thành phố phải có được nguồn lực đủ mạnh để phát triển. Có như vậy mới tạo điều kiện để TPHCM phát triển và vực dậy được sự phát triển của cả vùng và cả nước.