Triển khai chặt chẽ
Ngay sau khi HĐND TPHCM thông qua nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM, các địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND của UBND TPHCM quy định về quản lý sử dụng một phần lòng đường, hè phố (vỉa hè).
Trong đó, UBND quận 1 đã rà soát, thống kê các tuyến đường có thể sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè, cũng như tuyên truyền, lấy ý kiến người dân để thực hiện.
Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết, quận 1 xác định công tác tuyên truyền, quán triệt trong toàn hệ thống chính trị là khâu quan trọng để đảm bảo các quy định được thực thi đúng và hiệu quả. Qua rà soát, trên địa bàn quận 1 có 75 tuyến đường đủ điều kiện làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; 44 tuyến đường đủ điều kiện bố trí làm điểm trông giữ xe 2 bánh có thu phí; 76 tuyến đường đủ điều kiện bố trí làm điểm trông giữ xe 2 bánh không thu phí.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông cần xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình, phân công trách nhiệm cụ thể. Trước mắt, UBND quận 1 sẽ rà soát, thực hiện thí điểm tại một số tuyến đường, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng.
UBND quận 7 cũng là một trong những địa phương sớm ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Quyết định 32/2023/QĐ-UBND. Quận đang khảo sát, lập danh mục các tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm để xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe; điểm trông, giữ xe có thu phí để thực hiện các bước tiếp theo. Các trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè sẽ được quận chấp thuận hoặc giải quyết cấp phép.
Người dân giám sát việc thu phí
Cùng với sự chuẩn bị của các địa phương, Sở GTVT TPHCM đang tổng hợp góp ý của các đơn vị liên quan về dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè.
Vỉa hè đường Võ Văn Tần, quận 3, TPHCM được kẻ vạch sơn để người dân sử dụng tạm. Ảnh: NGÔ BÌNH |
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TPHCM, nêu rõ, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là phải đảm bảo sự đồng thuận của người dân. Do đó, để tránh mâu thuẫn giữa người sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè và chủ nhà có vỉa hè trước nhà bị sử dụng tạm thời, trước khi triển khai cho thuê vỉa hè, các địa phương sẽ trao đổi với chủ hộ nhà mặt tiền và cần có sự đồng thuận để tránh trường hợp xung đột.
Theo ông Ngô Hải Đường, không phải tuyến đường nào cũng được sử dụng để kinh doanh. Khi một tuyến đường đủ điều kiện thì quận, huyện phải lên phương án khảo sát, đưa ra lộ trình, biện pháp triển khai thực hiện.
Sở GTVT sẽ hướng dẫn các quận, huyện xây dựng phương án về quản lý và sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè, phải có cam kết của người sử dụng vỉa hè cũng như trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình triển khai, giám sát công tác này. Trường hợp người dân không đồng thuận thì quận, huyện không triển khai.
Đại diện Sở GTVT chia sẻ thêm, sở sẽ chủ trì xây dựng công cụ, phần mềm quản lý và công khai việc cấp phép về việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên toàn thành phố để người dân có thể giám sát, theo dõi, phản ánh đến cơ quan chức năng. Thông qua công cụ này, người dân có thể tiếp cận, giám sát về công tác quản lý trật tự đô thị.
Bên cạnh đó, để đảm bảo thuận tiện và minh bạch, việc thu phí sẽ thực hiện đồng thời với việc cơ quan chức năng xem xét chấp thuận phương án hoặc cấp phép sử dụng với phương thức thanh toán thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý, UBND TPHCM giao Sở GTVT và địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp, quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm, đảm bảo việc thực thi có hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 4-2023 của UBND TPHCM vào ngày 28-9, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè không nhằm mục đích thu ngân sách mà để lập lại trật tự, mỹ quan đô thị. Qua đó, góp phần hoàn chỉnh các quy định trong quản lý nhà nước, cũng như khai thác hiệu quả lòng đường, vỉa hè phù hợp với đặc thù đô thị TPHCM.
* TS DƯ PHƯỚC TÂN, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM:
Ứng dụng công nghệ để thu phí
Kinh nghiệm một số đô thị lớn trên thế giới là khi quy hoạch đường phố thì cũng quy hoạch luôn cả chỗ để sử dụng dịch vụ ngoài trời. Ưu tiên nghiên cứu thiết kế mô hình mẫu để bố trí cho hoạt động kinh tế trên vỉa hè đối với các tuyến đường thường bị lấn chiếm nhiều nhất, sau đó nhân rộng cho các tuyến còn lại.
Ngoài ra, cũng cần ban hành quy định hướng dẫn sử dụng không gian vỉa hè, như quy định được kê đặt bàn ghế, quầy hàng, để hàng hóa hoặc có thể sử dụng làm chỗ đậu xe tạm thời cho khách hàng, không được tạo vật cản tầm nhìn cao trên 1,2m…
Việc thu phí cần ứng dụng công nghệ, như quét mã thu phí, đặt camera giám sát để theo dõi các đối tượng lấn chiếm từ xa. Việc thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của tổ chức được giao theo dõi, giám sát, chế tài, triển khai thực thi chính sách thu phí vỉa hè theo mô hình mới.
* Ông NGUYỄN VĂN ĐỨC, Chủ tịch UBND quận 12:
Tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm
Trong thời gian chờ hướng dẫn triển khai của thành phố, quận 12 đã chủ động rà soát danh mục các tuyến đường, vỉa hè đủ điều kiện tổ chức thu phí theo quy định, làm cơ sở phối hợp các đơn vị liên quan để ban hành danh mục các tuyến đường được phép tổ chức các hoạt động theo Quyết định 32/2023/QĐ-UBND. UBND quận và các phường cũng duy trì phối hợp với các ngành chức năng tổ chức ra quân, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè. Lực lượng liên ngành thường xuyên phối hợp xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại các trục đường chính, có tình hình giao thông phức tạp và xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
NGÔ BÌNH ghi