Chiều 23-9, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM phối hợp cùng Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM tổ chức hội nghị Xúc tiến ngành vi mạch bán dẫn TPHCM. Chương trình thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 - năm 2024 với mục tiêu thảo luận để xây dựng các chính sách ưu tiên phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
Theo Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM, ngành vi mạch bán dẫn hiện đang bùng nổ tại các quốc gia tiên tiến về công nghệ như Mỹ, Nhật Bản và Singapore. Ngành này đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghệ và kinh tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, vi mạch bán dẫn được lựa chọn là nhóm ngành chủ lực quốc gia, các sản phẩm về điện tử, tin học (đầu cuối của vi mạch) đóng góp khoảng 20% GDP. Chính phủ vừa ký quyết định ban hành số 1017/QĐ-TTg ngày 21-9-2024 phê duyệt chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, trong đó đưa ra mục tiêu Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn…
Ông Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM đánh giá, đây là ngành cực kỳ tiềm năng, mang lại thu nhập cao cho người gắn bó. Với các bạn trẻ, càng có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng, mức lương sẽ tăng trưởng theo thời gian.
Thực tế có những người có thu nhập khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm. Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành vi mạch bán dẫn bởi người Việt có gene về khoa học, công nghệ và kỹ thuật, sự chuyên cần và tỉ mỉ…
Ông Nguyễn Phúc Vinh thông tin, số liệu từ các cơ quan quốc tế cho thấy, đến năm 2030, thế giới cần khoảng 900.000 kỹ sư bán dẫn mới, trung bình mỗi lao động ngành bán dẫn tạo ra 275.000USD (gần 7 tỷ đồng) doanh thu…
Góp ý cho ngành vi mạch bán dẫn của TPHCM, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho rằng, TPHCM cần tập trung vào củng cố các “hệ sinh thái”, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó, nguồn nhân lực phải đi trước một bước.
TPHCM đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, nên rất cần nâng cao chuỗi giá trị, sẵn sàng cơ sở hạ tầng, thể chế cạnh tranh với các nước... Trên cơ sở đó, ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam mới từng bước phát triển, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
* Tối cùng ngày, chia sẻ với báo chí tại Không gian giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh (thuộc Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 - năm 2024), bà Hanna Hạnh Nguyễn, Đồng sáng lập VDBC, cho hay, đơn vị vừa nhận đơn đặt hàng 300 robot cạo mủ cao su từ một doanh nghiệp tại miền Nam và VDBC sắp bàn giao. Robot này có sức làm việc tương đương một thanh niên khỏe mạnh. Đơn vị cũng có khả năng cung ứng khoảng 20.000 robot cạo mủ cao su cho thị trường Việt Nam.
Theo bà Hanna Hạnh Nguyễn, phần cứng robot được nhập khẩu, còn phần mềm do đội ngũ kỹ sư lành nghề của Việt Nam phụ trách. Bên cạnh robot cạo mủ cao su có kích cỡ lớn, đơn vị cũng sản xuất các loại robot nhỏ hơn phục vụ ngành giáo dục…