“Sau thời gian thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm, theo Nghị quyết 54 của Quốc hội đã góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức ở một đô thị có mức sống khá cao. Đặc biệt, việc chi thu nhập tăng thêm đã khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực, từ đó phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn”, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm, khẳng định với PV Báo SGGP vào chiều 12-12.
Đặc biệt, được động viên, khuyến khích từ chính sách thu nhập tăng thêm, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TPHCM tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, nỗ lực phấn đấu, góp phần đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội (đạt và vượt 11/13 chỉ tiêu đề ra) trong thời gian qua. Có thể kể đến các chỉ tiêu như: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,32% (cao hơn so với mức tăng trưởng của cả nước là 7%), thu hút vốn đầu tư đạt 35% GRDP (cao hơn chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra là 30%), thu hút vốn đầu tư 8 tỷ USD (đạt 101% so với cùng kỳ).
Cán bộ, công chức của TPHCM cũng tích cực tham gia thực hiện cải cách hành chính theo chủ đề năm 2019. Nhiều sáng kiến, cách làm hay trong công tác cải cách hành chính, góp phần phục vụ người dân tốt hơn, thu hút đầu tư tốt hơn, mang lại kết quả thu ngân sách vượt chỉ tiêu.
TPHCM thực hiện phân loại, đánh giá cán bộ, công chức như thế nào để việc chi thu nhập tăng thêm góp phần phục vụ người dân tốt hơn?
Việc chi trả thu nhập tăng thêm là không cào bằng, đúng người và đúng đối tượng phải căn cứ vào kết quả đánh giá hiệu quả công việc. Từ yêu cầu này, Sở Nội vụ tham mưu UBND TP ban hành quy định đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức (theo Quyết định 4631/QĐ-UBND ngày 19-11- 2018). Quy định đưa ra hệ thống tiêu chí đánh giá định lượng, khách quan, chính xác và cơ chế đánh giá công khai, minh bạch, có giám sát chặt chẽ.
Sau một năm thực hiện, chúng tôi nhận thấy cần có một số điều chỉnh để hạn chế tư tưởng cào bằng trong cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, việc đánh giá phải sát hơn, cụ thể hơn và siết lại tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua đó, Chủ tịch UBND TP đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung về việc đánh giá, phân loại hàng quý nêu trên (Quyết định 3728/QĐ-UBND ngày 3-9-2019, áp dụng từ quý 3-2019). Việc sửa đổi, bổ sung để nâng cao chất lượng đánh giá và tạo sự phân hóa rõ nét giữa các mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Mục đích quan trọng là góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nhất là đối với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính.
Chủ trương đúng đắn của TPHCM
Thưa ông, việc quy định tỷ lệ 50% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với lãnh đạo, quản lý các cấp có thể gây ra thiệt thòi đối với những trường hợp này?
Thực tế có tình trạng, ở một số cơ quan, đơn vị có kết quả thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, còn tình trạng phiền hà khiến người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng. Một số cấp lãnh đạo, quản lý chưa phát huy tốt vai trò gương mẫu, chưa thể hiện được sự nổi trội trong công tác nhưng vẫn được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Do đó, lãnh đạo TPHCM chỉ đạo siết chặt tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với lãnh đạo, quản lý để đảm bảo việc hưởng thu nhập tăng thêm phù hợp với năng lực, gắn với hiệu quả công việc và tỷ lệ hài lòng của người dân. Những người lãnh đạo đạt kết quả xuất sắc phải thực sự xứng đáng và tiêu biểu nhất trong số những người hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Theo quy định của việc đánh giá, phân tích chất lượng cán bộ, đảng viên, từ năm 2018 chỉ có tối đa 20% cá nhân trong tập thể lãnh đạo, quản lý được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Vì vậy, TPHCM quy định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc tối đa 50% đối với lãnh đạo, quản lý là phù hợp. Chính việc đưa ra các tiêu chí khắt khe hơn sẽ nâng cao chất lượng đánh giá, hạn chế tình trạng “chiếu lệ”, “cào bằng”, “hình thức”. Đặc biệt, đối với các cấp lãnh đạo, quản lý phải tập trung đánh giá về năng lực chỉ đạo, điều hành trong thực hiện nhiệm vụ được giao; về phát huy vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, khắc phục các tồn tại, hạn chế của tập thể. Một tập thể có tồn tại, hạn chế thì không thể 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được xem là hoàn thành xuất sắc được. Đây là chủ trương đúng đắn của TPHCM trong triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, tạo sự thay đổi căn bản, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Về lo ngại có tình trạng “đối phó” như “xoay vòng” xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng quý; thống nhất xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho những người có hệ số lương cao rồi phân chia lại thu nhập tăng thêm… là do các cơ quan, đơn vị chưa thực sự nắm bắt và triển khai đúng với tinh thần chỉ đạo của UBND TP. Tỷ lệ người được đánh giá, phân loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không phải là đại trà, không thể đánh đồng theo đa số.
Đối với một số trường hợp tâm tư vì không được hưởng chính sách này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội quy định rõ đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm là cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập. TPHCM phải thực hiện theo quy định này.
Tuy nhiên, để ghi nhận những đóng góp của những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 68/2000, HĐND TP cũng quy định cho các đối tượng này được chia sẻ thu nhập tăng thêm trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, UBND TPHCM đã chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng cho cán bộ, công chức được biệt phái sang các hội đặc thù và những người làm việc trong các hội đặc thù cũng được hưởng thu nhập tăng thêm theo quy định pháp luật.
Tránh thiệt thòi cho giáo viên, giảng viên Qua theo dõi thực tế, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP hướng dẫn thực hiện đánh giá, phân loại đối với một số trường hợp đặc biệt có thời gian làm việc không trọn quý. Cụ thể, đối với giáo viên nghỉ hè sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm trên cơ sở số ngày làm việc thực tế ở trường theo sự phân công của cấp có thẩm quyền. Đây là phương án tích cực, nhân văn, phù hợp với đặc thù của ngành, tránh thiệt thòi cho giáo viên, giảng viên bị giảm thu nhập và khuyến khích công chức, viên chức tham gia tích cực, đầy đủ các hoạt động chuyên môn, đảm bảo phục vụ nhu cầu học tập của học sinh và người dân. Do đó, các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu từng cơ sở giáo dục phải đảm bảo phân công công tác trong thời gian hè cho giáo viên theo khối lượng công việc chuyên môn thực tế của nhà trường; đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, không thiên vị, cảm tính. Ngoài ra, trước phản ánh về việc một số giáo viên không muốn làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn (bị điều chỉnh của quy định về tỷ lệ 50% nêu trên) vì sợ thu nhập tăng thêm giảm, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT nghiên cứu, rà soát và báo cáo UBND TP để có chỉ đạo phù hợp. |