Theo đó, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã vận động nông dân thực hiện tốt việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả, giúp ổn định và phát triển kinh tế cho từng hộ dân. Như hộ ông Nguyễn Văn Út (65 tuổi, ở tổ 1, ấp 4, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh) đã mạnh dạn chuyển đổi 4.000m² đất lúa sang trồng rau ăn quả, với cây trồng chủ lực là mướp và bí xanh.
Ông Út kể, hơn 10 năm trước, ông trồng lúa và chỉ sản xuất được 1 - 2 vụ/năm. Mặc dù ra sức chăm sóc, thế nhưng năm nào cũng vậy, năng suất lúa không cao. Nhận thấy một số gia đình trong xã trồng rau ăn quả có năng suất và thu nhập khá, ông liền thử nghiệm trên diện tích 1.000m² để trồng mướp và bí xanh. Lúc ấy, ông tự cấy giống bằng cách mua bí và mướp về nhà ăn, sau đó lấy hạt làm giống và bước đầu được kết quả khá khả quan.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, ông Út còn tìm hiểu, biết được quả mướp và bí xanh là 2 loại quả có nhiều giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, nên đã quyết định nhân rộng 4.000m² diện tích đất lúa của gia đình sang trồng 2 loại quả trên. Hiện nay, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch 150 - 200kg mướp và bí xanh, bán thu vào khoảng 1 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông lãi được 600.000 đồng/ngày.
Ông Út cho biết 2 loại quả dễ tiêu thụ này rất dễ trồng. Với mướp, chỉ cần làm đất kỹ, lên luống, bón phân theo liều lượng, sau đó gieo hạt, cách 30cm gieo 2 - 3 hạt. Khi mướp mọc được 2 - 3 lá nên làm giàn, cao khoảng 2m, bắt dây bò đều trên giàn và tỉa bỏ hết lá ở gốc cho thoáng. Từ lúc gieo hạt đến thu hoạch là 80 - 100 ngày. Còn với bí xanh, khi gieo phải ngâm hạt trong nước từ 4 - 6 giờ, rồi lấy ra rửa và lau sạch, vùi trong trấu hoặc rơm, thường xuyên tưới nước giữ ẩm, sau 36 - 48 giờ, hạt nhú mầm là gieo được. Trước khi gieo phải làm đất kỹ, lên luống, bón phân theo liều lượng. Tiếp đến là bắt giàn, cách bắt giàn cũng tương tự như mướp. Khi quả được 50 - 60 ngày trở đi và xuất hiện phấn trắng là có thể thu hoạch được.