
Theo kế hoạch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2014 (VBF 2014) sắp diễn ra sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ. Điều đó cho thấy nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2014, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài.

TPHCM thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, xanh hoạt động (Ảnh thiết kế mạch điện tử điện thoại di động tại doanh nghiệp 100% vốn Hoa Kỳ tại TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG
Nguyên tắc “win - win”
- Phóng viên: Là người nhiều lần tham dự các diễn đàn doanh nghiệp (DN), ông nhận thấy các DN, đặc biệt là khối DN đầu tư nước ngoài (FDI), hiện đang quan tâm đến những yếu tố nào trong môi trường đầu tư kinh doanh hơn cả?
>> TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Quan trọng nhất vẫn là sự công khai minh bạch trong công tác quản lý nhà nước, sự công bằng trong đối xử giữa các DN trong và ngoài nước. Nếu có sự phân biệt nào đó cũng phải nói rõ cho họ biết tại sao lại như vậy.
- Ông vừa nhắc đến “sự phân biệt đối xử”. Các DN cũng phàn nàn về điều này, song cả khối trong nước và khối FDI đều có những trường hợp cho rằng họ bị đối xử thiếu công bằng... Một số nhà kinh tế thì thẳng thắn đề nghị cần có sự điều chỉnh chính sách để dành không gian phát triển tốt hơn cho DN Việt. Xin cho biết quan điểm của ông?
Mỗi ý kiến có cơ sở riêng, nhưng nhìn chung, theo tôi, các DN FDI đến Việt Nam có thể nói còn lạ nước lạ cái, như con dâu mới về nhà chồng; họ rất cần được hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ hơn. Trong khi là con cái trong nhà thì việc tự tìm hiểu dễ dàng hơn, cho nên cũng cần chủ động hơn.
- Liệu có hay không việc “cô con dâu” vừa “giàu” hơn, lại vừa khôn khéo hơn sẽ khiến cho các anh chị em khác trong nhà bị lép vế và mất cơ hội?
Nhận xét như thế là hơi cực đoan. Những “cô con dâu” có tiềm lực tài chính dồi dào và quan hệ tốt cũng sẽ đóng góp đáng kể cho gia đình chứ! Tôi cho rằng đóng góp của các DN FDI không chỉ nằm ở lĩnh vực sản xuất, mà họ còn giúp mở cửa những thị trường đầu ra với quy mô lớn và ổn định. Ý thức rất rõ về cơ chế thị trường, họ đã sản xuất đúng những thứ mà thị trường cần chứ không phải thứ mà ta có thể sản xuất, tiện thì làm. Với công nghệ và môi trường cũng phải thấy rõ rằng chúng ta không thể yêu cầu DN FDI hoạt động như những DN xã hội, đóng góp nhiều nhưng lại hưởng ít! Nguyên tắc tối thượng của DN trong cơ chế thị trường là tạo ra lợi nhuận tối ưu, không có lợi nhuận thì họ không đầu tư; lợi nhuận ít thì họ rút vốn để đầu tư sang địa chỉ khác có lợi nhuận nhiều hơn.
Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chính là tạo ra khung khổ pháp luật và giám sát việc thực hiện để hài hòa lợi ích của nhà đầu tư với nước tiếp nhận đầu tư. Nếu có những kẽ hở để DN lách luật, trục lợi thì chúng ta phải trách mình trước. Tóm lại, muốn thu hút được FDI vào thì phải theo nguyên tắc win - win, tức là hai bên cùng có lợi. Về công nghệ, nhìn vào một số trường hợp cụ thể, không thể phủ nhận đóng góp của cộng đồng DN FDI. Nếu không có Liên doanh Việt Xô Petro thì chúng ta có cơ sở nền móng để hình thành ngành công nghiệp dầu khí không? Samsung Việt Nam hiện nay đóng góp vào xuất siêu 3 tỷ USD mỗi năm, có hàng ngàn kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao và đầu tư lớn cho nghiên cứu phát triển (R&D)...

Sản xuất tại Công ty may mặc Kim Hồng (100% vốn Đài Loan) thuộc KCX Linh Trung 2.
Mỗi nơi cần có cách tiếp cận khác
- Theo ông, dư địa lớn nhất để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam nằm ở đâu?
Ở khâu điều hành và chất lượng cán bộ công chức. Qua theo dõi nhiều năm, tôi cho rằng các nhà đầu tư nhìn nhận hành lang pháp lý hiện nay của chúng ta tuy chưa hoàn thiện, nhưng cơ bản là minh bạch, công khai và có thể dự đoán được.
- Có người ví von Việt Nam như “cô công chúa đẹp ngủ trong rừng”. Giờ “cô công chúa” đã thức giấc, nhưng còn phải làm những gì nữa để kén được “hoàng tử” như ý?
Đó là chủ động đi ra khỏi rừng, đến gặp các chàng hoàng tử, tìm hiểu xem thực lực của họ ra sao, họ muốn gì?…Hiện nay các địa phương thường mạnh ai nấy làm công tác xúc tiến đầu tư. Nên có cách tiếp cận khác, dựa vào lợi thế riêng của mình. Chẳng hạn như các tỉnh Tây Nguyên, tại sao không sang Israel để tìm cách thu hút đầu tư vào các dự án nông nghiệp hiện đại? Israel nổi tiếng về công nghệ nông nghiệp thân thiện với môi trường. Mà nước tưới cho cây cà phê đang là vấn đề bức xúc đối với Tây Nguyên, trong bối cảnh lượng nước ngầm đang suy kiệt.
Bên cạnh đó, các địa phương cần liên kết với nhau để tạo thành chuỗi liên hoàn, như thế vừa nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng (như sân bay, cảng biển, đường giao thông...), vừa nâng cao hiệu quả khai thác các dự án. Như Quảng Trị là tỉnh nghèo, điều kiện khó khăn, nếu gắn kết với Huế, với Quảng Bình thì có thể trở thành “địa chỉ đỏ” về du lịch. Mỗi mét đất ở đó đều có thể “nói” với du khách rất nhiều về lịch sử dân tộc ta, đặc biệt là các cuộc chiến tranh thống nhất đất nước... Còn ở tầm quốc gia, vấn đề là phải có quy hoạch phù hợp, từ đó hỗ trợ các địa phương xây dựng những dự án liên kết chuỗi và thu hút nhà đầu tư thực hiện được những dự án đó.
- Cảm ơn ông!

Siêu thị AEON MALL - siêu thị Nhật Bản đầu tiên tại TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
| |
ANH THƯ thực hiện