Phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện với PGS-TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, xung quanh vấn đề này.
Học giỏi chỉ là tiền đề, là dấu hiệu người tài
PHÓNG VIÊN: Câu chuyện sử dụng nhân tài đã được nói đến từ rất lâu rồi, nhưng mãi chúng ta vẫn chưa làm được một cách hiệu quả, có bài có bản. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
PGS-TS HOÀNG THẾ LIÊN: Một quốc gia, một xã hội mà không dựa vào nhân tài thì sẽ không phát triển được. Do hoàn cảnh lịch sử nên Việt Nam đã và đang tụt hậu nhiều mặt, nên muốn sánh vai với các nước phát triển thì không còn cách nào là phải trọng dụng và sử dụng hiệu quả nhân tài. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho đất nước nhiều cơ hội để bứt phá. Vừa qua, xem đề án quốc gia trọng dụng, thu hút nhân tài mà Bộ Nội vụ đang làm, tôi thấy vẫn luẩn quẩn, chưa có giải pháp đột phá.
Lâu nay chúng ta hay nói “nhà nước kiến tạo” nhưng cái cốt của nhà nước kiến tạo chính là dựa vào nhân tài và tin tưởng, trao sứ mệnh phát triển quốc gia cho nhân tài. Chúng ta nhìn sang những quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan, họ phát triển được chính là dựa vào công cụ thực tài, những người đứng đầu là những người thực tài (gồm 2 yêu cầu: vừa thực tài, vừa yêu nước). Một người tài ngoài năng khiếu bẩm sinh, rèn luyện thì còn phải có lòng tự tôn dân tộc.
Bác Hồ của chúng ta làm cách mạng, điều đầu tiên là dựa vào những nhà yêu nước, nhưng sau khi nắm được chính quyền mà chỉ dựa vào nhà yêu nước thì chưa đưa đất nước phát triển được, buộc Bác phải đi tìm nhân tài, tức là hoàn cảnh thay đổi đòi hỏi chiến lược cán bộ thay đổi. Bác đã ra chỉ thị trong một tháng, tất cả các địa phương phải phát hiện ra người tài để đề xuất cho Chính phủ. Những người tài đó, Bác Hồ nói đơn giản mà thực tế là làm được những việc “ích nước, lợi nhà”. Không dừng lại, Bác bôn ba khắp nơi, thuyết phục nhiều người bỏ vinh hoa phú quý để về với cách mạng. Hiện nay, chính sách của chúng ta trong việc này có nơi thu hút bằng lương, bằng nhà… Tuy nhiên, tôi nghĩ, những người tài cống hiến hết mình không chỉ vì đồng lương cao, có lợi thế về nhà cửa, xe cộ mà còn vì mục tiêu chung lớn hơn, đó là đóng góp để đưa đất nước phát triển.
Cái khó bây giờ là chúng ta cũng chưa làm rõ khái niệm, tiêu chí lựa chọn, đánh giá thế nào là người tài?
Có nhiều tiêu chí để coi là người tài. Ở ta thì phải có trình độ đại học trở lên, tiêu chí chung là phải có bằng đại học xuất sắc. Trong khi đâu chỉ học trường đại học mà đủ, còn cần cả quá trình tự học, tự rèn luyện. Lâu nay, chúng ta đang bị tiêu chí hình thức chi phối khi lựa chọn những người tài. Có những người học điểm rất cao, nhưng làm việc thua những người điểm thấp. Bởi người điểm thấp có tư duy, biến kiến thức “sống” để tạo ra thành sản phẩm. Do đó, để thấy học giỏi cũng là một tiêu chí để lựa chọn, nhưng không hoàn toàn đúng. Theo tôi, với một nền giáo dục tốt thì học giỏi cũng có thể coi là một tiêu chí tin cậy để làm cơ sở đánh giá người tài.
Cá nhân tôi “triết lý” về người tài là: Trời sinh ra, trong xã hội có bao nhiêu nhu cầu thì cũng sinh ra trong mỗi con người những tài năng bí ẩn để đáp ứng nhu cầu đó. Điều quan trọng là trong quá trình giáo dục, các nhà sư phạm cần phát hiện ra cái tài của người có tài để hướng lái họ, khai thác cái tài năng bẩm sinh đó. Phải thay đổi lại triết lý giáo dục. Người tài không phải là bức tượng để tạc, đẽo một cách gò bó mà thành tài. Có những người rất nhiều kiến thức, nhưng thiếu tư duy cũng không làm được việc. Cái hơn người là ở tư duy chứ không phải kiến thức.
Vậy cần làm gì để phát hiện được người tài và tạo môi trường cho người tài phát triển?
Bây giờ làm cách nào để trong xã hội người tài nổi lên. Việc phát hiện ra người tài mà theo con đường thân quen, gửi gắm, bảo đó là tài thì tôi không tin. Tất nhiên cũng có những người tài giỏi do qua người này người kia giới thiệu, nhưng là cửa ngõ rất hẹp. Theo tôi, người tài là do xã hội phát hiện và xã hội phải có một cơ chế để cho người tài nổi lên. Chủ trương hiện nay coi kinh tế tư nhân là đòn bẩy, xã hội hóa giáo dục một cách mạnh mẽ… Đó là những cơ hội để cho người tài thi thố.
Đổi mới mạnh mẽ khâu tuyển chọn
Theo ông, đã phát hiện được người tài rồi, có cơ chế rồi, nhưng cách làm thế nào để người tài cảm thấy chất xám, trí tuệ mình được tôn trọng và sử dụng?
Để làm được, tôi đề nghị thu hút, trọng dụng người tài phải dựa vào công trạng, không dựa vào bằng cấp. Muốn biết được công trạng của người tài như thế nào thì phải để cho xã hội có cơ chế để công trạng đó nổi lên, đánh giá bằng kết quả. Tiêu chí lựa chọn cũng chỉ xoay quanh 3 thứ: trình độ - năng lực - đạo đức. Nhưng ở ta, đánh giá “đạo đức tốt” cũng rất trừu tượng, đó chỉ là nền của tài, còn người tài thật còn nhiều biểu hiện khác nữa, như là công trạng của họ làm được những việc “ích nước, lợi nhà” như Bác Hồ từng nói.
Sau khi để cho cái tài bộc lộ, để có căn cứ lựa chọn vào bộ máy nhà nước, cần phải đổi mới cách tuyển chọn. Trên thế giới họ cũng tuyển chọn giống như ta, nhưng họ khác ta ở bộ máy làm việc, giám sát thực hiện. Tôi cho rằng, đổi mới con người đứng ra tuyển chọn mới là cốt lõi. Muốn có nhân tài, trước hết phải cải cách, nâng cao chất lượng người làm cán bộ và người đứng đầu (công tâm, dũng cảm, trách nhiệm) và bộ phận giúp việc người đứng đầu. Nếu không cải cách, không tìm được người có tài về tuyển chọn nhân tài thì không chọn được người tài. Cải cách hệ thống bộ máy làm tổ chức và trách nhiệm của người đứng đầu phải gắn với nhân sự của mình. Có đổi mới được khâu tuyển chọn thì mới lựa được người thực tài, đó là khâu đột phá.
Điều quan trọng hơn là làm cách nào để giữ chân được người tài khi họ chấp nhận vào bộ máy công quyền?
Sử dụng nhân tài tất nhiên phụ thuộc vào người thủ trưởng. Người thủ trưởng cũng nên nhìn nhận ở 2 khía cạnh. Một là, người thủ trưởng xem mình như là “trần” của trí tuệ, cấp dưới có giỏi đến đâu cũng bị kéo xuống cho bằng thủ trưởng. Đó là tình trạng khá phổ biến. Người có giỏi mới “tiêu hóa” được ý tưởng mới. Theo tôi, muốn sử dụng được nhân tài cần có cơ chế để tìm và nới rộng “trần”, thông qua bầu cử, tranh cử… Bản thân người tài rất muốn ý tưởng của mình được nghe, được thực hiện, mang lại kết quả. Niềm tự hào của người tài là ở chỗ đó. Các điều kiện hỗ trợ khác, có thì tốt, nhưng không phải là yếu tố chính. Muốn ý tưởng, sáng kiến của người tài được sử dụng, được phát huy thì người lãnh đạo phải chất lượng, có tâm, có tầm và tạo môi trường cho người tài thể hiện.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, chế độ tiền lương, đãi ngộ vẫn là động lực để thu hút và khuyến khích người tài cống hiến. Thực sự, chúng ta vẫn chưa có chế độ để người tài sống được bằng tài năng của họ mà không cần phải làm ông này, bà nọ. Và cuối cùng, tài mấy thì tài, vẫn bị ám ảnh bởi cái mục đích là phải làm quản lý (quan chức) mới sống được, nên rất tiếc. Chừng nào xóa bỏ được căn bệnh cố hữu này, từ trong quản lý nhà nước, trong doanh nghiệp hay bất cứ đâu thì mới “chăm sóc” được người tài để họ tài hơn, phát huy được năng lực hơn trong công tác. Phải sử dụng người tài đúng chỗ, đúng năng lực, đúng thời điểm để họ bộc lộ được cái mà trời ban cho họ và cái mà họ tích lũy được.