Bằng việc làm cụ thể
Cách đây 8 năm, Giàng A Hù (32 tuổi, ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công đoàn, đã được tham gia vào dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo. Đơn vị công tác đầu tiên của Giàng A Hù là xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, với trách nhiệm là Phó Chủ tịch UBND xã.
Ở vị trí đó, áp lực công việc với chàng trai trẻ người Mông là rất lớn, nhất là khi còn thiếu kinh nghiệm quản lý. Người dân ở xã hoài nghi về năng lực, trình độ của Giàng A Hù.
Những người già trong xã còn bảo nhau, Giàng A Hù về là lấy mất biên chế của con em đồng bào dân tộc ở đây. Bằng nỗ lực, sâu sát gắn bó với người dân, cùng với việc vận dụng kiến thức đã được học, Giàng A Hù dần dần vượt được qua những khó khăn, thách thức trong công tác.
Giàng A Hù chia sẻ, thời điểm đó, với chính sách thu hút chung của Yên Bái, những người thuộc diện thu hút sẽ được hỗ trợ 10 tháng lương ban đầu cùng các chế độ ưu đãi khác, nhưng khi về xã công tác, Giàng A Hù không hình dung ra nhiều việc lại khó khăn phức tạp đến vậy. Tuy vậy, anh vẫn tự nhủ, điều quan trọng là bản thân phải khẳng định được năng lực của mình trong xử lý công việc sao đem lại hiệu quả tốt nhất.
“Có nhiều sự việc liên quan tới cuộc sống người dân như tranh chấp đất đai, làm sao để hòa giải được rất khó. Nhiều vấn đề người dân không tuân theo pháp luật mà làm theo thói quen, tục lệ nên để tuyên truyền cho người dân hiểu được pháp luật, chính sách của nhà nước cần có thời gian dài...”, Giàng A Hù chia sẻ.
Anh cho biết bản thân khá may mắn khi cũng là người đồng bào dân tộc, nên trong công tác, xử lý công việc, tiếp xúc với người dân có đôi chút thuận lợi hơn so với bạn bè cùng lứa dưới xuôi lên xã nghèo nhận nhiệm vụ.
Sau 4 năm công tác ở xã Khao Mang, tháng 7-2016, Giàng A Hù được điều động về xã Lao Chải nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho tới nay. Theo ông Trần Minh Vấn, Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải, địa phương là xã nghèo, vùng sâu, vùng xa nên việc thu hút cán bộ trẻ được đào tạo bài bản về công tác đã giúp cho địa phương nhiều việc, nhất là tác phong, lề lối làm việc được đổi mới.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Quynh, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Mù Cang Chải, cho hay, qua dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo, huyện Mù Căng Chải đã thu hút được 10 cán bộ trẻ có trình độ và hiện giữ lại được 8 người nên được xem là thành công.
“Khi cán bộ trẻ được phân công về huyện, địa phương tạo mọi điều kiện về môi trường làm việc để cán bộ phát huy được năng lực, sở trường của mình...”, ông Phạm Văn Quynh cho hay.
Được điều động từ huyện về xã công tác, anh Hà Quang Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thịnh (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đã có thêm môi trường mới để phát huy năng lực của mình. Anh Hà Quang Phượng chia sẻ, sau hơn 1 năm làm việc ở cơ sở, điều ấn tượng nhất đối với bản thân đó là thái độ làm việc của công chức xã đã thay đổi theo hướng tích cực, nâng cao trách nhiệm người cán bộ đối với dân.
Anh Hà Quang Phượng và đội ngũ cán bộ xã đã giúp người dân hay đổi căn bản bộ mặt nông thôn trong việc sản xuất, canh tác, sinh hoạt để sớm đạt chuẩn nông thôn mới.
Chẳng hạn như, việc tìm giải pháp làm nhà vệ sinh giá rẻ tự hoại, chỉ bằng 1/10 giá thị trường, đã giúp nhà nào cũng có công trình vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó, từ việc quan tâm, tìm hướng đi mới hỗ trợ cho thanh niên lập nghiệp ngay tại địa phương, ở xã Tân Thịnh đã có nhiều thanh niên làm chủ trang trại chăn nuôi, vườn cây.
Theo ông Nguyễn Thế Nghĩa, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chiêm Hóa, những năm qua, địa phương giữ chân được 3 người tốt nghiệp đại học loại giỏi và xuất sắc tại các cơ quan. Những trường hợp huyện phát hiện là người giỏi, lãnh đạo huyện trực tiếp gặp và trao đổi, đồng thời áp dụng chính sách để khuyến khích họ về làm việc, cống hiến cho địa phương.
“Xã hội hóa” thu hút nhân tài
Để thu hút được nhân tài đòi hỏi các chính sách dài hơi và bền vững hơn. Ông Lê Tiến Thắng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang, cho biết hướng tất yếu thời gian tới là cần phải “xã hội hóa” công tác thu hút nhân tài.
“Chúng ta phải đặt mình vào những người giỏi. Đầu tiên, họ muốn đến xem ta làm việc với ai, nơi đó có điều kiện thể hiện năng lực không, rồi sau này có được trọng dụng không; quan trọng không kém là thu nhập như thế nào”, ông Lê Tiến Thắng cho hay.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thuyên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái, cho biết mặc dù nhận thức được công tác thu hút, trọng dụng người tài là rất cần thiết, nhưng điều kiện địa phương cũng phải tương xứng mới có thể giữ chân được người tài.
“Chúng ta cần tính toán để cho người tài ý thức được làm ở tỉnh vùng cao có thể thu nhập không cao bằng nơi khác, nhưng môi trường làm việc ổn định, có cơ hội phát triển, tư tưởng thoải mái...”, ông Hoàng Văn Thuyên bày tỏ.
Ông cho biết thêm, ở nhiều địa phương chính sách thu hút người tài tốt hơn Yên Bái, nhưng cán bộ trẻ có thể vẫn thích môi trường miền núi, thích dấn thân và trải nghiệm để học tập. Trong điều kiện kinh tế địa phương và Nhà nước có hạn, có thể nghiên cứu cách thức huy động xã hội hóa công tác thu hút, trọng dụng nhân tài. Doanh nghiệp có thể tạo điều kiện thuận lợi để người giỏi làm việc đạt hiệu quả cao hơn.
Việc thu hút người tài vào làm việc ở bộ máy cơ quan nhà nước là yêu cầu cấp thiết nên hiện tại Bộ Nội vụ đang tập trung hoàn thiện “Đề án quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài”. Trong đó, đề án sẽ phải tính tới giải pháp khả thi để thực hiện chủ trương cho hiệu quả, để không còn chính sách trên giấy.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, muốn chính sách khả thi thì cơ sở khoa học để xây dựng giải pháp trong đề án phải xuất phát từ việc nhận diện, xác định rõ những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập từ quy định đến việc tổ chức thực hiện chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài thời gian qua.
“Thực tiễn luôn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm tính đúng đắn hay không của chính sách, chúng ta phải đổi mới xây dựng chính sách, pháp luật theo hướng phải phản ánh và đưa thực tiễn cuộc sống vào chính sách, pháp luật”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.
“Đề án quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài sẽ hướng đến tạo lập môi trường tốt nhất trong điều kiện khả năng mà chúng ta có thể tạo lập được để cho nhân tài được phát huy tài năng, sở trường của họ. Môi trường đó không chỉ chú trọng yếu tố đãi ngộ vật chất hay động viên tinh thần, mà còn phải là môi trường bảo vệ nhân tài, tạo ra hành lang pháp lý an toàn để nhân tài yên tâm làm việc, cống hiến, đóng góp đúng với tài năng, sở trường của họ”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói. |