Thu hút, trọng dụng nhân tài trong cơ quan nhà nước - Bài 1: “Thảm đỏ” thưa thớt nhân tài


Có những nơi “trải thảm” bằng thu nhập cao, bằng nhà ở nhưng người tài vẫn không chịu về, hoặc có về công tác cũng chỉ trong thời gian ngắn.
Các trí thức trẻ công tác tại Bộ phận một cửa ở Bộ Nội vụ
Các trí thức trẻ công tác tại Bộ phận một cửa ở Bộ Nội vụ

Quá trình tìm hiểu thực tế cho thấy, nhiều địa phương có quyết tâm rất lớn trong việc thu hút, trọng dụng người có trình độ cao bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi và được cụ thể hóa trong nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc phát hiện, thu hút người tài vào làm việc ở các cơ quan nhà nước, nhất là ở tuyến cơ sở vẫn rất hạn chế. Có những nơi “trải thảm” bằng thu nhập cao, bằng nhà ở nhưng người tài vẫn không chịu về, hoặc có về công tác cũng chỉ trong thời gian ngắn.

Nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt

Là một trong những tỉnh miền núi Tây Bắc với mong muốn sớm thoát nghèo, ngay từ năm 2016, HĐND tỉnh Yên Bái đã có Nghị quyết 07 về một số chính sách phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, chủ trương này chưa thu hút được nhiều người tài, có trình độ vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn nên hiệu quả đạt được hết sức khiếm tốn. Cuối năm 2018 tới đầu năm 2019, Yên Bái quyết định triển khai Đề án 11 về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Đây có thể xem là một chiến lược “dài hơi” của Yên Bái về phát hiện, thu hút và trọng dụng người có trình độ ngay tại địa phương khi việc thu hút người tài từ những địa phương khác tới Yên Bái còn rất hạn chế. 

Ông Hoàng Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, cho hay, Đề án 11 là quyết sách táo bạo, đột phá của địa phương. Thực hiện đề án này, Yên Bái đã sàng lọc, tuyển chọn được 150 người từ hơn 22.000 công chức, viên chức cấp cơ sở. Đội ngũ này được xác định là “hạt giống đỏ” - nguồn nhân lực chất lượng cao ở các cơ quan hành chính công nên được tỉnh Yên Bái tạo điều kiện đi trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp nước ngoài để học tập cung cách phục vụ, quản trị nhân lực, ứng xử trong giao tiếp, với mục tiêu phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. 

Có vị trí địa lý và đặc thù về kinh tế - xã hội tương đồng, nhiều năm nay, Tuyên Quang cũng đang “loay hoay” trong việc phát hiện và thu hút người tài vào khu vực công. Ông Lê Tiến Thắng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang, cho biết, từ năm 2011, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết 47 về “Chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ”, trong đó có nhiều cơ chế ưu đãi nhằm thu hút người tài về địa phương. Ví dụ, trong lĩnh vực y tế, bác sĩ chuyên khoa cấp I được hưởng 45 lần mức lương tối thiểu; chuyên khoa cấp II được 50 lần; tiến sĩ 60 lần; phó giáo sư 80 lần; giáo sư 140 lần... Các mức thu hút hấp dẫn là vậy, nhưng từ năm 2012 đến nay, Tuyên Quang chỉ thu hút được 77 người theo Nghị quyết 47. Khi kết quả thực hiện chưa được như kỳ vọng, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai Nghị quyết 09 để thay thế Nghị quyết 47 từ năm 2016. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người tài cũng tốt hơn như: trình độ tiến sĩ về Tuyên Quang làm việc ngoài ưu đãi về tiền lương, sẽ được bố trí chỗ ở. Song, từ năm 2017 đến nay, địa phương cũng chỉ thu hút được... 4 người có trình độ thạc sĩ. 

Với lợi thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế - xã hội của cả nước, những năm qua, Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm khuyến khích, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, cho biết, các chính sách ưu đãi tiêu biểu như: tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không qua thi tuyển đối với người tốt nghiệp đại học loại giỏi, loại xuất sắc trong và ngoài nước; thực hiện đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác tuyển dụng thủ khoa xuất sắc về làm việc tại các cơ quan, đơn vị của Hà Nội còn khá khiêm tốn. Không ít lĩnh vực trọng điểm có nhu cầu sử dụng người trình độ chuyên môn cao như: quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, giao thông đô thị, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, môi trường... chưa thu hút được nhiều người tài.

Môi trường chưa giữ được chân? 

Việc thu hút được những người có tài năng vào công tác tại các cơ quan nhà nước đã khó, việc giữ chân họ được lâu dài còn gian nan hơn. Đại diện Thành đoàn Hà Nội cho biết, tính tới hết năm 2018, thành phố đã tuyên dương hơn 1.700 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học, học viện trên địa bàn và đã có 186 thủ khoa xuất sắc được tuyển dụng nhưng hiện cũng chỉ có khoảng 150 đang công tác tại các cơ quan của thành phố. Số còn lại đã thôi việc, chuyển công tác vì nhiều lý do khác nhau. 

Mới đây, tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP Hà Nội với đoàn viên, thanh thiếu niên thủ đô, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nhìn nhận, nhiều bạn sau khi được tuyển dụng đã phát huy năng lực, hiệu quả trong công tác, được đề bạt, bổ nhiệm; nhưng nhiều thủ khoa sau một thời gian công tác vì lý do thu nhập thấp đã xin thôi việc. “Đây là vấn đề chúng tôi rất quan tâm và đang tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với thành phố đổi mới cơ chế làm sao vừa thu hút hiệu quả, vừa giữ chân được người tài...”, ông Vũ Đức Bảo nói.

Trở lại với tỉnh Tuyên Quang, ông Lê Tiến Thắng cho rằng, để người tài về địa phương làm việc, trước hết môi trường làm việc phải hấp dẫn. “Chúng tôi xác định thế mạnh chủ yếu là rừng vì mong muốn của tỉnh là trở thành trung tâm chế biến lâm sản lớn của khu vực. Bên cạnh đó, du lịch cũng là thế mạnh nên Tuyên Quang hy vọng các doanh nghiệp lớn sẽ sớm vào đầu tư. Lúc đó mới tạo khí thế chuyển động tích cực, kinh tế sôi động mới hút được nhân tài...”, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang chia sẻ. 

Chung quan điểm, ông Hoàng Mạnh Hà cho rằng, nhiều nhân tài chỉ cần mức lương vừa đủ sống nhưng rất coi trọng môi trường công tác. Từ thực tế trọng dụng, thu hút người tài ở Yên Bái cho thấy, quan trọng nhất là cơ chế. Nếu có cơ chế, môi trường làm việc tốt, tỉnh chủ động và cân đối được ngân sách sẽ thu hút được nhân tài. “Chúng ta thu hút người tài bằng khoản tiền, cho nhà, cho đất, nhưng rồi sau đó, lương hàng tháng vẫn trả theo mặt bằng chung. Chính vì lẽ đó, thu hút và giữ chân được người tài là cả một quá trình, đòi hỏi chính sách phải rất đồng bộ và hợp lý”, ông Hoàng Mạnh Hà nhận định.

Theo Bộ Nội vụ, thực hiện Đề án 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo của 20 tỉnh, cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại xã, trí thức trẻ đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết thúc đề án, đã có 102/560 (chiếm 18,21%) trí thức trẻ được cử đi học lớp sơ cấp chính trị, 346/560 (chiếm 61,79%) được cử đi học lý luận chính trị trung cấp, 7/560 (chiếm 1,25%) được cử đi học lý chính trị cao cấp. Hàng năm, các trí thức trẻ được bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng nâng cao để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao. Đến nay, 20 tỉnh đã bố trí công tác được 506/559 trí thức trẻ tham gia dự án. Số còn lại tiếp tục công tác tại xã và đang trong quá trình sắp xếp, bố trí công tác.

Tin cùng chuyên mục