Đang có làn sóng đầu tư mạnh vào nông nghiệp, do đó Bộ NN-PTNT và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đặt mục tiêu thu hút khoảng 80.000-100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới
Sáng nay 22-1 tại Hà Nội, Tổng hội NN-PTNT Việt Nam đã tổ chức diễn đàn “doanh nghiệp đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2019”.
Quang cảnh diễn đàn doanh nghiệp đồng hành cùng nông nghiệp sáng 22-1 Tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), ông Nguyễn Hoa Cương cho biết, hiện nay bộ đã có thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tháo gỡ các rào cản về đầu tư. Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là thu hút khoảng 80.000-100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó phấn đấu có khoảng 3.000-4.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn, 6.000-8.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô vừa.
Còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng khi phát biểu tại diễn đàn cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gia tăng mạnh ở nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản...
Chỉ riêng lĩnh vực chế biến trái cây, trong năm 2018 có tới 16 doanh nghiệp lớn vào đầu tư với tổng vốn khoảng 8.700 tỷ đồng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đưa ra nhận xét, đầu tư vào nông nghiệp đang có bước chuyển mình rõ rệt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn.
Nói về lĩnh vực chế biến trái cây, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết: “Dự án nào, doanh nghiệp nào đầu tư với quy mô lớn, dây chuyền công nghệ hiện đại thì thường có ngay các đơn hàng, thậm chí đơn hàng kéo dài 5 năm - 10 năm. Còn nếu cứ làm ăn kiểu nhỏ lẻ thì hết hơi cũng không bán được”.
Sản xuất cơm dừa nạo sấy tại Công ty xuất nhập khẩu Bến Tre Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cũng dẫn thêm ví dụ về tiềm năng, dư địa lớn của nông nghiệp khi doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, sản xuất trái cây xuất khẩu.
Ông Cương dẫn ví dụ về một doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ cần 100 lao động đầu tư vào chế biến dừa xuất khẩu, hiện nay đã vươn tới các thị trường tiềm năng như Mỹ, Australia, Ả Rập... với công suất, sản lượng khoảng 1 triệu quả dừa mỗi năm. Và dư địa vẫn còn rất lớn vì hiện nay tại các tỉnh như Bến Tre, Long An, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng... có sản lượng dừa lên tới 8-10 triệu quả mỗi năm.
VĂN PHÚC