Mục tiêu đặt ra cho ngành du lịch TPHCM trong năm nay sẽ thu hút khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế, 29 triệu lượt khách nội địa, cán mức doanh thu trên 138.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2017. Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành du lịch, các thay đổi tuy nhỏ nhưng đã tạo được những cú hích lớn.
Giúp du khách, người dân hài lòng
Từ khi ngành chức năng đưa trạm thông tin du lịch đi vào hoạt động (triển khai tại Công viên 23-9 và Công viên bến Bạch Đằng), các điểm này thường xuyên tấp nập du khách quốc tế tìm đến nhờ tư vấn thông tin, với đủ quốc tịch. Trung bình, mỗi ngày nơi đây tiếp đón 160 - 170 lượt khách/ngày. Chị Thùy Trang, chuyên viên tư vấn, cho biết nội dung khách hỏi gồm thông tin xe buýt, các khu di tích lịch sử, hoặc đôi khi hỏi về mức giá phòng khách sạn, đề nghị được tư vấn về dịch vụ…
Du khách tìm hiểu thông tin tại trạm thông tin ở Công viên 23-9
“Rất nhiều loại ốc khác nhau, tha hồ lựa chọn mà giá cả cũng vừa phải. Nhân viên vui vẻ, nhiệt tình, nên tôi thường xuyên ghé phố ẩm thực Vĩnh Khánh”, anh Steven Furst - một du khách - nhận xét.
Một trong những “điểm nhấn” được xem là khá mới của ngành du lịch TPHCM phải kể tới Phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4), Phố thời trang (quận 5)… Nhìn dòng người tấp nập đổ về các tuyến phố này mỗi khi màn đêm buông xuống, sẽ hiểu được phần nào “sức hút” mãnh liệt của hoạt động mua sắm, ẩm thực trong giới trẻ. Theo ông Lâm Hùng Tấn, Phó Chủ tịch UBND quận 4, tuyến phố ẩm thực Vĩnh Khánh đang là điểm nhấn, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt khách quốc tế, đến với quận 4. Tuyến phố có 170 hộ kinh doanh, chủ yếu là đặc sản chế biến từ ốc, đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, một điểm cộng khác cho du lịch TP chính là việc chỉnh trang Công viên Văn Lang (quận 5). Trước đây, công viên này vốn được mệnh danh là tụ điểm của tệ nạn xã hội (trộm cắp, hút chích…), nhưng nay vết tích xưa cũ gần như biến mất hoàn toàn. Mặt nền công viên khoảng 10.000m2 được lát đá granite, hệ thống đèn màu, nhạc nước, sân khấu, bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng… sạch sẽ, gọn gàng. Mỗi đêm, nhất là vào dịp cuối tuần, người dân lại dập dìu ra công viên vui chơi, tán gẫu. Không khí vui vẻ, yên bình tràn ngập.
Nỗ lực đổi thay
Góp phần tích cực làm tươi mới “bộ mặt” quận 5 nói riêng, ngành du lịch TPHCM nói chung, theo bà Trương Thị Minh Kiều, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cần phải có quyết tâm cao của lãnh đạo cũng như người dân sinh sống trên địa bàn. Điển hình, quận 5 chủ động in ấn 10.000 bản cẩm nang du lịch bằng tiếng Việt và tiếng Anh để phát miễn phí đến du khách trong và ngoài nước.
Song song đó, quận phối hợp với Sở Du lịch hệ thống lại các tài nguyên du lịch hiện có, kết hợp với các hãng lữ hành… cho ra mắt những sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Bà Trương Thị Minh Kiều thông tin thêm, quận 5 đang triển khai phủ sóng wifi miễn phí tại khu vực Phố vàng bạc - đá trang sức, Phố Đông y, Phố thời trang; sắp xếp khu vực kinh doanh ẩm thực để du khách tiện thưởng thức, tham quan về đêm; lắp đặt máy POS tại các điểm dừng chân, các điểm mua sắm đạt chuẩn để phục vụ du khách; thực hiện chương trình cấp biển hiệu đạt chuẩn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Ông Trương Văn Uông, công tác trong ngành du lịch, chỉ ra rằng du khách rất nhạy cảm với mọi thay đổi của địa phương mà họ đến. Trong đó, những tiểu tiết như thái độ phục vụ, thùng đựng rác, nhà vệ sinh… tưởng chừng là “chuyện nhỏ” nhưng lại quyết định việc du khách có quay trở lại hay không. Do vậy, không chỉ có danh lam thắng cảnh đẹp, mà chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ, các tiện ích đi kèm, vệ sinh môi trường… cũng vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của ngành du lịch.
“Chẳng đâu xa, nhìn sang ChiangMai (Thái Lan), sẽ rất ngạc nhiên khi tỉnh này đón hàng chục triệu lượt khách quốc tế mỗi năm, trong khi dân số của họ chỉ khoảng 1,7 triệu người. Một bài học đáng suy ngẫm cho những người làm du lịch của TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung”, ông Uông dẫn chứng.
Ngành du lịch TPHCM đang có những nỗ lực tích cực cả bề rộng lẫn chiều sâu để thay đổi diện mạo TP. Ngoài những chương trình xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch trong nước và quốc tế, các kế hoạch phát triển dài hơi cần sự đầu tư đồng bộ, tốn kém, thì việc động viên từng địa phương chủ động thay đổi để hút khách cũng là cách làm hiệu quả, cần nhân rộng.