Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu |
PHÓNG VIÊN: Ngành du lịch đã có những bước chuẩn bị như thế nào để đón khách từ thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam?
Ông HÀ VĂN SIÊU: Ngay từ khi Trung Quốc mở cửa (ngày 8-1), ngày 9-1, TCDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo ở Móng Cái về việc đón tiếp, thu hút khách Trung Quốc đến Việt Nam, đồng thời gợi mở các giải pháp, việc cần phải làm, chuẩn bị sẵn sàng đón khách. Trong hội thảo cũng như trên các diễn đàn, TCDL cũng định hướng về việc cần phải linh hoạt, chủ động, đổi mới trong đón tiếp và phục vụ đón khách quốc tế, trong đó có khách Trung Quốc - thị trường trọng điểm của Việt Nam.
Thực tế, sau dịch Covid-19, xu hướng, nhu cầu đi du lịch thay đổi, do đó cần phải chủ động tính toán đón phân khúc thị trường khách cao cấp hơn; cần tận dụng lợi thế công nghệ để tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thực của khách, từ đó có sản phẩm dịch vụ phù hợp, xây dựng thêm các dòng sản phẩm để khai thác nhu cầu còn tiềm ẩn của thị trường khách này. Trước đây, với du khách Trung Quốc, các tour mới khai thác ăn ở, mua sắm còn những dịch vụ như: giải trí, thể thao, chăm sóc sức khỏe đặc biệt, du lịch MICE, nhóm sự kiện… vẫn đang bỏ trống. Phân khúc du khách cao cấp, du lịch golf, du lịch sự kiện, du lịch giao thương… chưa khai thác được nhiều.
Cùng với việc gợi mở các phương án đón khách, ngành du lịch đã có kế hoạch gì để thu hút dòng khách đến từ thị trường này, thưa ông?
Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp du lịch đã tiến hành các hoạt động tìm hiểu, xúc tiến với đối tác Trung Quốc. Trong kế hoạch xúc tiến quảng bá chung của ngành du lịch xây dựng trong năm 2023 thì thị trường khách Trung Quốc cũng được xây dựng riêng. TCDL đã ký kết hợp tác với 7 địa phương Trung Quốc và sắp tới, nhất là tháng 4, 5 hoạt động này sẽ được nối lại với nhiều chương trình hợp tác xúc tiến hai chiều.
Quảng bá, xúc tiến thông qua các mạng xã hội đang là xu thế được nhiều nước tận dụng. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang sử dụng mạng xã hội riêng. Việc tận dụng công nghệ trong xúc tiến, quảng bá du lịch với thị trường này sẽ được triển khai như thế nào?
Trong các kênh quảng bá của TCDL có nhiều mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok… Trong thời gian tới, chúng tôi cũng định hướng cho các doanh nghiệp mở rộng các mạng xã hội, quảng bá trên các nền tảng số thịnh hành của Trung Quốc. Việc này cần được thực hiện theo từng bước vì phụ thuộc vào thị hiếu của xã hội.
TCDL nhìn nhận ra sao về mức độ chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc?
Khách Trung Quốc có nhu cầu chi, sức mua rất lớn và ngân sách cho du lịch cũng không ngừng tăng lên. Tâm lý cứ nghĩ khách Trung Quốc chi tiêu ít do trước đây chúng ta chưa nắm bắt được khoản thực chi của khách Trung Quốc. Theo khảo sát nhanh, nhu cầu và chi tiêu của khách Trung Quốc ở nước ngoài cũng rất cao.
Thêm nữa, du lịch là ngành đặc thù, bên cạnh lợi ích kinh tế dễ nhận thấy thì còn những lợi ích phi kinh tế. Khi hiểu khách, tôn trọng khách thì mới có thể đưa ra cho họ những sản phẩm phù hợp, đúng ý của du khách. Chỉ khi khách hàng hài lòng thì du lịch mới có thể đạt được 2 mục tiêu là quảng bá, lan tỏa, phát huy được các giá trị văn hóa, đồng thời gia tăng được giá trị kinh tế. Có thể khẳng định, thị trường khách Trung Quốc có tiềm năng lớn về số lượng, quy mô các đoàn khách, sự đa dạng của các đối tượng khách. Để khai thác được nhiều hơn tiềm năng của thị trường này cần phải thay đổi tư duy làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn, nắm bắt, làm chủ điểm đến, hướng tới sự hài lòng của du khách bằng các sản phẩm chất lượng của mình.
Ngành du lịch khuyến cáo các doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ trong thời điểm này ra sao, thưa ông?
Sau một thời gian dài mới đón khách Trung Quốc trở lại thì ngành du lịch lại đối diện với những nguy cơ về việc “cạnh tranh” thiếu lành mạnh thông qua giảm giá, cắt giảm chất lượng. Đây là một trong những hệ quả gây ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch. Bởi vậy, rất cần doanh nghiệp tham gia khai thác khách từ thị trường này có sự cam kết về chất lượng với chính quyền địa phương cũng như trong hiệp hội để không dẫn tới việc “cắt xén” để giảm giá, dẫn tới giảm chất lượng. Các doanh nghiệp cần phải chủ động, linh hoạt, tạo thế trong đàm phán giao dịch để giữ giá tour, đảm bảo cho chuỗi cung ứng du lịch gồm khách sạn, nhà hàng… phát triển du lịch bền vững.
Câu chuyện này không phải là mới, tuy nhiên, trong thời điểm này cần siết chặt hơn. Doanh nghiệp lữ hành cả 2 bên thực hiện tốt các quy định về quản lý, kinh doanh du lịch; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để các doanh nghiệp thực hiện tốt cam kết nhằm tránh các trường hợp cạnh tranh bằng hạ giá mà khuyến khích cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.