Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn duy trì được hoạt động sản xuất và có mức sản lượng tăng khá so cùng kỳ, như sản phẩm điện tử, dệt, may mặc, giày dép các loại, thủy sản đông lạnh, thức ăn chăn nuôi, gạo...
Cả vùng hiện có 109 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút khoảng 1.406 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký 61.598 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 74%, tạo việc làm cho hơn 152.000 lao động.
Nhằm đẩy mạnh đà tăng trưởng, trong thời gian tới, ngành công thương các tỉnh phía Nam tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất toàn bộ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguyên liệu tại chỗ, có đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp.
Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất thị trường trong nước gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách thiết thực, hiệu quả và triển khai tốt chương trình xúc tiến thương mại trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối, góp phần cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh.