Bộ KH-ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhìn nhận, việc triển khai dự án BT, nhất là BT đổi đất lấy hạ tầng, đặt ra nhiều quan ngại, khi tổng mức đầu tư dự án tăng, không được kiểm soát chặt chẽ, giá đất đối ứng thấp.
Những nghi ngại về BT không phải không có cơ sở, vì giai đoạn trước đây từng có khá nhiều dự án BT tai tiếng. Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán 28 dự án BT tại các địa phương và phát hiện hàng loạt vi phạm, hầu hết đều là xác định tổng mức đầu tư lớn hơn nhiều so với thực tế triển khai…
Nhưng, những hạn chế của cơ chế BT không phải là không khắc phục được và không nằm ở phương thức này, mà ở chính những đơn vị triển khai, thực hiện. Từ thực tiễn triển khai thành công một số dự án BT trả bằng tiền trước đây, TPHCM đề xuất cho phép tiếp tục thực hiện thí điểm phương thức này; góp phần huy động nguồn lực, thay đổi diện mạo của thành phố. Dự thảo nghị quyết đã quy định một số điều kiện chặt chẽ về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý dự án, chi phí đầu tư, chất lượng xây dựng công trình. Nhà nước chỉ thanh toán cho nhà đầu tư sau khi công trình (hoặc hạng mục công trình vận hành độc lập) hoàn thành việc nghiệm thu, kiểm toán. Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của HĐND và UBND TPHCM trong việc quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính trong quá trình triển khai dự án. Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án BT.
Cuối cùng, với sự nghiêm túc, sát sao trong kiểm tra giám sát, chính sách này hoàn toàn có thể góp phần phát huy hiệu quả thu hút nguồn lực tư nhân, giảm gánh nặng chi trả của ngân sách nhà nước khi được áp dụng việc trả chậm trong nhiều năm.