Chỉ số VN Index chạm mốc 1.000 điểm, tăng 48% so với 2016. Năm 2018, TTCK tiếp tục sôi động khi hàng loạt hàng hóa chất lượng cao sẽ được đưa ra đấu giá khi Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại các DN.
Lực hút nhà đầu tư ngoại
Năm 2018, trong danh sách 10 DN lớn đang nắm giữ cổ phần (Tổng CTCP Bảo Minh - BMI, Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia - VNR, Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang - HGM, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong - NTP, Công ty Hạ tầng và bất động sản Việt Nam - VIID , CTCP Nhựa Bình Minh - BMP, CTCP Sữa Việt Nam - VNM, CTCP FPT, CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang - SGC, Công ty viễn thông FPT), Tổng công ty Đầu tư -Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến xem xét thoái vốn tại 4 DN là SGC, BMP, FPT, NTP.
Trong đó, NTP và BMP đã có sự chuẩn bị các điều kiện từ năm 2017, do tỷ lệ nắm giữ của SCIC thấp nên khả năng toàn bộ số vốn nhà nước tại các DN này sẽ được tổng công ty thoái vốn toàn bộ. Những DN khác như Traphaco, Dược Hậu Giang, Domesco cũng đang tính toán nhịp độ cho phù hợp từ nay đến 2020, riêng Domesco có thể được xem xét tính toán đưa vào kế hoạch thoái vốn trong 2018.
Một trong những trọng tâm của năm 2018 là UBCKNN sẽ đưa ra nhiều giải pháp để TTCK công khai, minh bạch hơn. Trong đó, sẽ triển khai quyết liệt Nghị định 71 về quản trị công ty, tuyên truyền để các công ty đại chúng hiểu, tuân thủ. Cùng với đó tăng cường giám sát thị trường, không chỉ với hoạt động thao túng mà còn với cả việc công bố thông tin, tính tuân thủ của công ty đại chúng lẫn chất lượng hoạt động của công ty kiểm toán.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN.
Bởi hoạt động IPO, thoái vốn DN lớn đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng muốn mua cổ phần ở mức độ chi phối DN cổ phần hóa, thoái vốn. Kinh nghiệm từ việc bán vốn nhà nước tại VNM của SCIC hay tại Sabeco của Bộ Công Thương, cho thấy DN bán vốn phải có nền tảng hoạt động kinh doanh tốt mới tạo được niềm tin để nhà đầu tư quan tâm.
Trong năm 2018, hàng loạt DN lớn sẽ tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn, như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)… đã khiến nhiều ý kiến lo ngại về sức cầu liệu có đáp ứng được lượng cung khổng lồ này?
Theo ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, năm 2017 tăng trưởng kinh tế có sự đóng góp của tăng trưởng vốn. Cổ phần hóa, thoái vốn đã tạo sức hút đối với nhà đầu tư ngoại.
Còn theo ông Nguyễn Đức Chi: “Khi tham gia hội nghị có nhà đầu tư nước ngoài, tôi thấy họ thể hiện sự lạc quan về kinh tế Việt Nam, về quyết tâm của Chính phủ trong phát triển DN tư nhân. Năm 2018, kinh tế vĩ mô, thị trường vốn phát triển ổn định, tôi tin việc thoái vốn, cổ phần hóa sẽ thuận lợi, thành công”.
Tăng công khai, minh bạch
Năm 2017 Việt Nam là quốc gia châu Á có TTCK tăng trưởng mạnh nhất khi chỉ số VN Index tăng gần 50% so với năm 2016. Nhiều chuyên gia chứng khoán dự báo đến cuối năm 2018 VN Index có thể tăng 30-40%, ở khoảng 1.300-1.400 điểm so với năm 2017.
Theo ông Trần Lê Minh, CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), nhà đầu tư đang nhìn thấy sự hấp dẫn, cơ hội ở TTCK Việt Nam năm 2018, thậm chí năm 2019. Đó là sự ổn định của nền kinh tế, đặc biệt các chỉ số vĩ mô có những thay đổi tích cực.
Tiếp đến là hoạt động bán vốn với lượng vốn của Nhà nước bán ra lớn và nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao, điều trước đây chưa từng có. Đặc biệt, đến thời điểm này chính sách cổ phần hóa của Việt Nam đã tạo thuận lợi nhiều cho nhà đầu tư nước ngoài, khi quy mô đợt bán vốn đủ lớn tạo sự hấp dẫn, tài sản DN được đem ra bán rất tốt.
Điểm hấp dẫn nữa là nếu năm 2018 TTCK Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi của bộ chỉ số MSCI, khả năng Việt Nam gia nhập bộ chỉ số này rất cao. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, đây là cơ hội lớn vì theo thống kê trong quá khứ việc vào được bộ chỉ số MSCI sẽ làm TTCK tiến triển rất khả quan.
Dù được coi là thị trường hấp dẫn, nhưng không có nghĩa TTCK Việt Nam đã hoàn hảo. Điều khiến nhà đầu tư quan ngại hiện nay vẫn là tính minh bạch. Các thông tin công bố của DN hiện không thỏa mãn được họ và đây được coi là rào cản đối với họ. Vì thế, nhà đầu tư nước ngoài mong muốn có cơ chế để việc công khai, minh bạch là nhu cầu tự thân của DN hơn là thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
“Điều nhà đầu tư quan tâm và đòi hỏi là DN có hoạt động minh bạch, từ đó mới xác định việc tham gia hay không. Vì thế, trong cổ phần hóa, thoái vốn DN lớn cần có kế hoạch, lộ trình và thời gian cụ thể” - ông Nguyễn Đức Chi chia sẻ.
Theo nhiều chuyên gia, TTCK năm 2017 thăng hoa, ai cũng vui, nhưng còn nhiều vấn đề phức tạp, nỗi lo là làm sao duy trì được đà tăng trưởng bền vững. Từ câu chuyện vĩ mô, quyết tâm của Chính phủ, dự báo tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới là khả quan, dòng vốn ngoại vào nhiều, cầu có thực và hứa hẹn. Vấn đề đặt ra là phải tạo lòng tin dài hạn nơi nhà đầu tư, tính bền vững của thị trường.