Phát biểu tại diễn đàn, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, qua theo dõi và nghiên cứu thì hiện nay đang có một làn sóng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Mặc dù chủ trương thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã có từ lâu nhưng các năm trước, bình quân mỗi năm chỉ thu hút được thêm khoảng 200-300 doanh nghiệp nhưng riêng năm 2017 đã có tới gần 2.000 doanh nghiệp đổ vốn vào nông nghiệp.
Tuy nhiên trong năm 2017 cũng có khoảng 1.000 doanh nghiệp nông nghiệp giải thể. Tính ra vẫn tăng thêm được gần 1.000 doanh nghiệp mới. Theo đó, từ tổng số 4.500 doanh nghiệp nông nghiệp cả nước trong năm 2016 đã tăng lên 5.500 doanh nghiệp nông nghiệp vào năm 2017.
Thay đổi rõ nét nhất khi có doanh nghiệp nhảy vào nông nghiệp là đã hình thành một sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, sản xuất ra những mặt hàng nông sản mà thị trường cần, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Từ việc chỉ chăm chăm vào trồng lúa để xuất khẩu bằng được với giá rẻ, hiện nay nhiều nơi đã chuyển dần sang trồng cây ăn trái, sản xuất cá tra, tôm... có giá trị xuất khẩu cao hơn.
Bước nhảy vọt kỷ lục trong năm 2017 là xuất khẩu trái cây từ kim ngạch 2,5 tỷ USD năm 2016 lên 3,45 tỷ USD năm 2017.
Theo tính toán, mỗi năm tổng mức cả nhà nước và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ khoảng 3 tỷ USD, trong đó 50% là nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước ở Trung ương lẫn địa phương.
Lý do mà việc thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp chậm và còn khó khăn, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn là chính sách của nhà nước không bắt trúng, đúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Hiện nay chính sách thu hút đang triển khai kiểu "ngứa đầu gãi tai". Hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi đầu tư là đất đai và tín dụng thì lại không tháo gỡ được. 50-70% doanh nghiệp kêu thủ tục đất đai và tiếp cận nguồn vốn vay khó đến cực khó.
Để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào nông nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, hiện tại Bộ NN-PTNT đã trình dự thảo Nghị định 210 về tạo cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, các giải pháp nổi bật để cởi trói cho doanh nghiệp đó là cho phép doanh nghiệp sử dụng các tài sản trên đất như nhà lưới, nhà kính... là tài sản để thế chấp ngân hàng khi vay vốn.
Đồng thời áp dụng chính sách cấp bù hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách địa phương. Theo đó, các doanh nghiệp cứ vay ngân hàng với lãi suất thấp hơn lãi suất chung khoảng 1-1,5% mỗi năm và tới cuối năm ngân sách địa phương sẽ bù lại phần chênh lệch cho ngân hàng.
Ngoài ra Bộ NN-PTNT cũng đang đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên đề nghị này có thể khó được chấp nhận ngay vì còn phải sửa luật thuế liên quan.