Nắn dòng vốn “xanh”
Đầu tư xanh được hiểu là đầu tư hướng đến phát triển bền vững với các dự án, giải pháp dựa trên tiêu chí bảo vệ và thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động toàn cầu, đầu tư xanh được nhắc đến nhiều hơn, như một xu thế tất yếu. Việt Nam đã cam kết mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Là đầu tàu trong nhiều lĩnh vực, TPHCM nhận trách nhiệm tiên phong trong thực hiện cam kết quốc gia về Net Zero. Thời gian gần đây, thành phố đã có hàng loạt hoạt động liên quan đến vấn đề này. Năm ngoái vào tháng 9, TPHCM tổ chức diễn đàn kinh tế quy mô với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng 0”.
Ngày 24-1 vừa qua, UBND TPHCM phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh… Tiếp đó, trong kế hoạch, chiến lược thu hút đầu tư, TPHCM đề cao tiêu chí xanh nhằm góp phần dịch chuyển kinh tế theo hướng xanh. Điều này cũng thể hiện rõ trong định hướng quy hoạch của TPHCM thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, chính sách xanh, tiêu chí xanh, mô hình xanh xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực. Về chính sách, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đã trao một số quyền tháo gỡ các nút thắt phát triển, kiến tạo cơ chế để TPHCM thu hút nguồn lực cho quá trình chuyển đổi xanh. Đó là thí điểm cơ chế tài chính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, thúc đẩy hệ thống điện áp mái, điện mặt trời, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào kinh tế xanh, phát triển Cần Giờ thành trung tâm chuyển đổi xanh...
Trong công tác xúc tiến đầu tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) Trần Phú Lữ cho biết, năm 2024, thành phố chú trọng xúc tiến đầu tư vào những ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều tri thức, ít thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao… Trong ngắn hạn sẽ ưu tiên các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin, vật liệu mới, năng lượng sạch… Trong dài hạn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn…
Trên thực tế, vừa qua, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh, nhóm công tác chung TPHCM - Ngân hàng thế giới đã “trình làng” 2 dự án quy mô rất lớn là quản lý rủi ro ngập lụt ở TP Thủ Đức và dự án đô thị carbon thấp. Trong đó, Dự án quản lý rủi ro ngập ở TP Thủ Đức có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 430 triệu USD, gồm 80 triệu USD vốn đối ứng từ ngân sách và 350 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới. Dự án hướng tới cải thiện hệ thống quản lý rủi ro ngập lụt, với mục tiêu không để lũ lụt cản trở sự phát triển bền vững của khu vực; TP Thủ Đức hiện thiệt hại khoảng 70 triệu USD/năm do ngập lụt và dự báo đến năm 2050 thiệt hại có thể lên tới 120 triệu USD/năm nếu không có giải pháp từ bây giờ. Với Dự án đô thị carbon thấp, được đánh giá là rất nhiều tiềm năng, phía Ngân hàng Thế giới cho biết sẽ hỗ trợ TPHCM xây dựng và bán tín chỉ carbon.
Nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý
Những bước đi đầu tiên đã có, dù vậy từ chủ trương cho tới thực tế vẫn còn nhiều nỗ lực. Năm 2023, TPHCM ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn đến năm 2030, khẳng định quan điểm thu hút FDI giai đoạn này có trọng tâm trọng điểm, thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ mới… Thời gian qua, thành phố cũng ngăn chặn dòng vốn FDI có công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bằng các tiêu chí thu hút đầu tư cụ thể. Tuy vậy, khi bắt tay triển khai vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ, như định nghĩa, tiêu chí về đầu tư xanh còn thiếu rõ ràng; việc tiếp cận tài chính xanh là vấn đề mới, chưa có chính sách cụ thể…
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) đã tỏ ra băn khoăn khi một số ngành trước đây bị coi là dễ gây ô nhiễm, nay sẽ tiếp tục thu hút ra sao? “Hiện nay nhu cầu cần có tín chỉ carbon của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu rất lớn, nhưng TPHCM chưa có thị trường tín chỉ carbon thì có thể bắt đầu từ đâu; làm thế nào để có sản phẩm ban đầu; TPHCM cần hỗ trợ gì ngoài chính sách thuế?”, lãnh đạo UBND TPHCM đặt nhiều câu hỏi trước các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới - tổ chức đã đồng hành với TPHCM suốt thời gian qua để nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư xanh quy mô rất lớn.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, cho rằng, hiện khung pháp lý của Việt Nam về vấn đề này vẫn đang xây dựng, mới chỉ dừng ở định hướng, chủ trương mà chưa đủ hướng dẫn chi tiết. Trong khi khuôn khổ pháp lý đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của nền kinh tế và với đầu tư xanh càng quan trọng hơn. Do đó, tăng cường hợp tác công - tư cùng với hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh, đầu tư xanh là việc cần làm ngay.