Còn nhiều tồn tại
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các KCN-KCX TPHCM (Hepza), cho biết, đến nay, TPHCM đã có 17/19 KCN-KCX thành lập và đi vào hoạt động với diện tích đất cho thuê gần 1.900/2.600ha, tỷ lệ lấp đầy 70,57%. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư nói chung của thành phố và KCN-KCX nói riêng đã giảm so với nhiều địa phương lân cận.
Theo Hepza, việc thu hút đầu tư tại KCN-KCX của thành phố vẫn tập trung vào các ngành thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN-KCX có công nghệ lạc hậu, sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Mặt khác, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN-KCX; giữa KCN-KCX với các địa phương còn hạn chế; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; tuyển dụng lao động có kỹ năng gặp nhiều khó khăn; chi phí lao động cao; cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng...
Cùng với đó, mô hình quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa thật sự hiệu quả; cơ chế chính sách chung cho KCN-KCX có nhưng chưa đồng bộ và vận dụng chưa phù hợp với bối cảnh đang thay đổi nhanh chóng.
Nhiều doanh nghiệp cũng xác nhận, cơ sở hạ tầng của các KCN-KCX TPHCM đã xuống cấp nghiêm trọng. Đơn cử, tại KCN Cát Lái, tình trạng ngập nước và mất an ninh trật tự ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sản xuất của doanh nghiệp. Chưa hết, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm quỹ đất lớn để đầu tư nhưng không tìm được vì quỹ đất của KCN-KCX bị hạn chế, đã vậy nhiều nơi còn bị tình trạng “da beo” trong giải tỏa nên rất khó để xây dựng nhà máy quy mô lớn.
Một hạn chế khác cũng được các doanh nghiệp Nhật Bản đặt ra là tại KCN Hiệp Phước, dù thành phố đã cho phép xây dựng nhà xưởng cao tầng để đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa trong thuê nhà xưởng của doanh nghiệp nhưng việc xác định giá đất quá chậm đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ đầu tư của các đơn vị tại đây.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các KCN-KCX TPHCM, cho biết, dịch Covid-19 vừa qua còn phát sinh một bất cập lớn đòi hỏi các KCN-KCX thành phố phải nhanh chóng thay đổi, đó là thiếu nhà lưu trú công nhân. Hiện các KCN-KCX của thành phố đang rất thiếu quỹ đất đầu tư nhà lưu trú cho công nhân, tình trạng này không được khắc phục thì việc thu hút đầu tư sẽ khó khởi sắc.
Cần giải pháp cải thiện
Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng ban quản lý Hepza, cho biết, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ tập trung vào 10 giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể, với giải pháp thu hút đầu tư, sẽ xây dựng và công khai bộ tiêu chí thu hút đầu tư. Cùng với đó, xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp hiện hữu.
Đối với các dự án có trình độ công nghệ cao, hỗ trợ, khuyến khích chủ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất thông qua giải quyết nhanh thủ tục hành chính, giới thiệu các lô đất phù hợp cho chủ đầu tư. Riêng với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN-KCX, thành phố sẽ đưa ra các tiêu chí về tổng mức đầu tư, giá thuê đất làm cơ sở thực hiện đấu thầu công khai lựa chọn chủ đầu tư.
Kế đến, thành phố sẽ triển khai thúc đẩy doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu chuyển đổi sang công nghệ mới, hiện đại hơn. Thành phố không xem xét gia hạn thời gian hoạt động hoặc mở rộng quy mô sản xuất của dự án nếu doanh nghiệp không chuyển đổi công nghệ, giảm thâm dụng lao động.
Song song đó, thành phố mở rộng đối tượng được vay ưu đãi theo chương trình kích cầu đầu tư, kết nối doanh nghiệp vay ưu đãi từ các quỹ, tổ chức tài chính để thực hiện chuyển đổi công nghệ sản xuất. Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu, Hepza sẽ phối hợp với Ban quản lý KCN-KCX các tỉnh tìm quỹ đất phù hợp, giới thiệu để doanh nghiệp có kế hoạch di dời.
Hiện thành phố đang tiến hành rà soát quỹ đất, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục pháp lý để sớm đưa các KCN (có quyết định thành lập nhưng chưa thể đưa vào hoạt động) như Lê Minh Xuân 2, Phong Phú, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc và Tây Bắc Củ Chi mở rộng… đi vào hoạt động.
Đặc biệt, nhanh chóng đưa KCN Phạm Văn Hai (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) với quy mô 668ha vào hoạt động nhằm thu hút đầu tư các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao thuộc các ngành điện, điện tử, cơ khí tự động hóa, công nghiệp hỗ trợ…
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cho rằng, để có thể triển khai những giải pháp trên, tăng sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư của thành phố, cần thực hiện hiệu quả hơn mô hình “một cửa, một dấu”.
Trên thực tế, để có thể hoàn thiện giấy phép đầu tư tại KCN-KCX TPHCM, doanh nghiệp “bị rối” do vừa xin phép tại Hepza, vừa phải được chấp thuận của các sở ngành chuyên môn, quận huyện. Chưa kể, doanh nghiệp còn phải chịu áp lực hậu kiểm từ các bộ ngành, thành phố và quận huyện.
Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho KCN-KCX vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, hiện thành phố đã rà soát quỹ đất để phát triển khu lưu trú công nhân. Song song đó, phân cấp thực hiện thủ tục hành chính cho các quận huyện và sở ngành chuyên môn. UBND TPHCM cũng rà soát và chỉ đạo các sở, ban ngành, quận huyện mạnh dạn giao quyền cho Hepza, trong đó tập trung lĩnh vực môi trường, quy hoạch và xây dựng. |
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các KCN-KCX TPHCM, với những KCN-KCX hiện hữu, thành phố sẽ nâng cấp hạ tầng giao thông và kết nối với KCN-KCX khác. Mặt khác, rà soát, chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN xanh, tiệm cận đến tiêu chí KCN sinh thái và có tính đến hệ sinh thái bổ trợ gồm nhà lưu trú, trường học, trạm y tế. Đồng thời, đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch các KCN không khả thi. |