Chuyển mình tất yếu
Năm 1991, Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận ra đời, là KCX đầu tiên của cả nước. Một năm sau đó KCX Linh Trung ra đời. Trong nhiều năm, các KCX của TPHCM đã tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư nước ngoài, là niềm tự hào của thành phố, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo tiền đề hội nhập kinh tế thế giới.
Trải qua hơn 34 năm, TPHCM đã hình thành, đưa vào hoạt động thêm 15 KCX - khu công nghiệp (KCN), thu hút hơn 1.700 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 13 tỷ USD. Buổi đầu, các KCN - KCX thu hút những ngành có thể tận dụng lợi thế lao động, đất đai như dệt may, da giày, cơ khí, nhựa… Nhưng càng về sau, những ngành nghề thâm dụng lao động dần không còn phù hợp, bởi ưu thế lao động giá rẻ không còn đúng ở TPHCM, trong khi quỹ đất dần cạn kiệt, giá đất tăng cao “tấc đất tấc vàng” ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Một số KCN thuở ban đầu được xây dựng ở những vùng hoang sơ, sau vài chục năm phát triển, đô thị hóa mạnh mẽ, giờ lọt thỏm giữa những khu dân cư đông đúc, từ đó gây ra những vấn đề về môi trường cần giải quyết. Những doanh nghiệp đầu tiên đến với thành phố trong các KCN - KCX đến nay trở nên già cỗi, không còn phù hợp với định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của thành phố - là giảm thâm dụng lao động, đất đai, tăng hàm lượng giá trị gia tăng, đáp ứng xu thế xanh, số, tuần hoàn.
Ban Quản lý các KCX - KCN TPHCM (Hepza) cho biết, các KCN - KCX hiện nay đứng trước yêu cầu tất yếu phải chuyển mình, và thực tế cũng đã có bước dịch chuyển. KCN Cát Lái với diện tích 124ha, tỷ lệ lấp đầy 83%, chủ yếu là doanh nghiệp trong nước với các ngành truyền thống, hiệu quả chưa cao, nguy cơ gây ô nhiễm. KCX Linh Trung có khoảng 10ha trong tổng số 43,96ha sắp hết hạn thuê đất vào năm 2024-2025, được dự kiến thu hồi để thu hút đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghệ cao. KCX Tân Thuận trong những năm trở lại đây, thực hiện chuyển dịch cơ cấu đầu tư đã thu hút nhiều dự án đầu tư phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin, như Công ty VNG, FPT, CMC, Sao Bắc Đẩu, Renesas…
Chắt chiu cơ hội
Thời gian qua, dù liên tiếp đương đầu với những khủng hoảng, xung đột, bất định, nhưng thế giới cũng đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa. Đưa ra nhận định này, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhìn nhận, chưa khi nào cơ hội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, chất lượng, lại hiện hữu rõ ràng như bây giờ. Và TPHCM cần đi tiên phong, nắm bắt cơ hội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đóng góp cho đất nước những câu chuyện thực tế để xây dựng thể chế quốc gia.
Trong bối cảnh đó, đất đai mà TPHCM dành cho phát triển công nghiệp là vấn đề rất được quan tâm. Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban quản lý Hepza, chia sẻ, TPHCM định hướng giữ tối đa đất công nghiệp tại các KCX - KCN hiện hữu, không chuyển đổi đất công nghiệp thành đất khác. Đồng thời rà soát, đưa vào quy hoạch khoảng 6.000ha đất công nghiệp, nằm dọc theo các đường vành đai, thuộc huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ. Song song đó là việc xây dựng các KCN mới theo hướng chuyên ngành, như KCN dược 320ha, KCN chuyên ngành công nghệ thông tin, điện, điện tử, cơ khí chế tạo, lương thực thực phẩm.
Với 17 KCN đang hoạt động, UBND TPHCM đã giao cho Hepza cùng Viện Nghiên cứu phát triển tPHCM từ nay đến năm 2025 hoàn thành đề án chi tiết chuyển đổi 5 KCX - KCN trong khu vực nội thành, gồm Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước, Bình Chiểu, làm cơ sở chuyển đổi các KCN tiếp theo. Đối với 2 KCN vừa được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào quy hoạch là KCN Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II (tổng diện tích 668ha), Hepza đang phối hợp với Sở QH-KT lập quy hoạch 1/2000. Từ đó tiến tới lập dự án đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng đầu tư cho 2 KCN này, dự kiến khởi công vào quý 2-2025.
Trong thu hút đầu tư nước ngoài, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM Nguyễn Anh Thi cho biết, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tPHCM đã tác động rất lớn tới Khu Công nghệ cao thành phố, đơn cử như việc tái lập cơ chế một cửa tại chỗ. Nhờ đó, một dự án đầu tư trong lĩnh vực đóng gói chip đang được triển khai thần tốc, kỳ vọng thời gian kể từ khi cấp phép đầu tư đến khi khánh thành chỉ 4 tháng. Theo ông, những dự án như thế này sẽ giúp chúng ta nâng cao năng lực công nghệ, hình thành nên hệ sinh thái trong lĩnh vực chip.
Với định hướng mới, TPHCM đang từng bước chuyển mình để thu hút đầu tư trong và ngoài nước hiệu quả hơn. Đứng trước các cơ hội, thách thức mới, các chuyên gia cho rằng TPHCM cần tiếp tục đi tiên phong trong thu hút đầu tư, với tinh thần cải cách, đổi mới như trước đây.