Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp, nông dân tiêu biểu, các ngân hàng thương mại, các tổ chức, đơn vị… có kinh nghiệm thực hiện, tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Thời gian qua nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn thu hút đầu tư (như: Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, TPHCM...).
Hội thảo lần này là cơ hội để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong sản xuất NNCNC và cũng là diễn đàn để các đại biểu trực tiếp giao lưu trao đổi, cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm trong triển khai sản xuất NNCNC, phân tích các thuận lợi, tồn tại của NNCNC để có các đề xuất, giải pháp cả về cơ chế, chính sách, lựa chọn hướng đi phù hợp để phát triển NNCNC.
TP Đà Nẵng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách. Hiện, thành phố đã ưu tiên quy hoạch 7 vùng sản xuất NNCNC, nông nghiệp sạch với diện tích quy hoạch hơn 500ha, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư gồm: Trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPT-NT), trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, góp phần thực hiện thành công mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát huy vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 36,37 tỷ USD, năm 2018 nông nghiệp Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD. Hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 quốc gia trên thế giới với 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Việc ứng dụng CNC và khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp là một hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các Hiệp định CPTPP, FTA...
Đến nay, đã có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực, gồm 12 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt; 19 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực thủy sản; 9 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi.