Thu hút đầu tư nước ngoài bền vững

Tại cuộc gặp nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong cam kết có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ trong 3 năm tới, biến nhà máy Samsung tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu.

Đây được xem là tín hiệu rất tích cực khi gần đây có thông tin một số tập đoàn đa quốc gia muốn chuyển đầu tư sang các quốc gia khác.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 15 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn thực hiện đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, theo Bộ KH-ĐT, Tập đoàn LG đã tạm dừng đầu tư mới dự án sản xuất thiết bị điện tử trị giá 5 tỷ USD, chuyển đầu tư dự án sản xuất pin sang Indonesia sau khi đã khảo sát tại Việt Nam. Tập đoàn Intel đã chuyển đầu tư nhà máy sản xuất chip trị giá 3 tỷ USD sang Ba Lan dù tập đoàn này đang vận hành nhà máy giai đoạn 1 tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo, Tập đoàn Khí nén SMC Nhật Bản cũng đã thông báo dừng hoặc chuyển những dự án hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD sang các quốc gia khác.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đang có những ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch và lựa chọn đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu, nhất là những tập đoàn công nghệ cao. Tại Việt Nam, các chính sách ưu đãi như thuế, chi phí thuê đất, được thụ hưởng chi phí điện, nước, nhân công giá rẻ… không còn lợi thế nữa, chưa thực sự cạnh tranh so với với nhiều nước trong khu vực. Tại một số khu đô thị lớn, chi phí thuê đất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp quá cao, chưa có nguồn năng lượng sạch; nền tảng dữ liệu số đã hình thành nhưng manh mún; mức lương chi trả cho nguồn nhân lực cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực… Đặc biệt, hạ tầng “xanh hóa” còn yếu và thiếu, khó hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mục tiêu Net Zero, thực hành ESG (môi trường - xã hội - quản trị), giảm thiểu phát thải carbon...

Việt Nam cần rà soát toàn bộ những doanh nghiệp, đối tượng bị tác động bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, từ đó xác định phạm vi và mức độ chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, tham khảo các nước bạn để có chính sách thu hút đầu tư phù hợp trong tình hình mới. Một giải pháp quan trọng là đầu tư hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp theo xu hướng phát triển bền vững. Hạ tầng phải đảm bảo yếu tố xanh bao gồm công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, được trang bị công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường… Bên cạnh đó, hạ tầng phải ứng dụng các nền tảng công nghệ số, các mô hình kinh doanh mới gắn với công nghệ số trong các hoạt động dịch vụ, kinh doanh... Việt Nam cũng cần sớm hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành thu hút đầu tư theo hướng tích hợp đầy đủ, nằm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối. Việc đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng là điểm cộng quan trọng để thu hút nhà đầu tư.

Những năm qua, chúng ta có nhiều chính sách cởi mở, ưu đãi và đã thu hút nhiều nhà đầu nước ngoài chất lượng. Nhờ đó góp phần tạo nên bức tranh nền kinh tế khởi sắc, tạo đà phát triển của đất nước. Tuy nhiên, thời điểm này cho phép chúng ta có cách tiếp cận mới bằng chính sách “có qua có lại”, tức là ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài đi kèm ràng buộc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Bởi mục tiêu cao nhất của việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài không chỉ để giải quyết công ăn việc làm, mà thông qua đó giúp doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận, từng bước theo kịp nền khoa học công nghệ của thế giới. Đây cũng chính là xây dựng nội lực cho nền kinh tế nước nhà.

Tin cùng chuyên mục