° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, điểm mới của chính sách thu hút, tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực TPHCM có nhu cầu là gì? Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM. Ảnh: PHƯƠNG BẢO ° Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG: Ngày 4-7-2019, UBND TPHCM có Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ban hành quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2021. Đến ngày 9-11-2020, UBND TPHCM có Quyết định số 4116/QĐ-UBND ban hành quy trình thu hút, tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2021 (gọi tắt là quy trình). Điểm mới chính là quy trình ban hành được áp dụng rộng rãi cho các cơ quan, đơn vị tại TPHCM và hướng dẫn, quy định thời gian cụ thể các bước thực hiện, từ việc các cơ quan, đơn vị đề xuất lĩnh vực, nhu cầu thu hút đến tổ chức tuyển chọn và tiếp tục ký kết, gia hạn hợp đồng thu hút… Cụ thể, thành phố đang cần thu hút 14 vị trí: Sở KH-ĐT 1 vị trí; Khu Nông nghiệp công nghệ cao 3 vị trí; Khu Công nghệ cao 5 vị trí; Viện Khoa học và Công nghệ tính toán 5 vị trí. Với số lượng cụ thể này, các đơn vị đã thuyết minh khá cụ thể nên đăng ký đúng nhu cầu. Qua đó, hội đồng khoa học tổ chức thẩm định, đề xuất để thu hút và tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. |
° Thực tế việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học tại TPHCM thời gian qua như thế nào, thưa ông?
° Từ năm 2014 đến 2019, thành phố đã thu hút được 19 chuyên gia, trong đó có 5 chuyên gia Việt Nam, 6 chuyên gia người nước ngoài cùng 8 trường hợp là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, về công tác tại các đơn vị của thành phố, tập trung vào các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ cao.
Có thể kể đến như, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán đã mời 6 chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài; Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố đã thu hút 4 chuyên gia phụ trách công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao; Ban quản lý Khu Công nghệ cao thu hút 5 chuyên gia là người nước ngoài và 1 chuyên gia người Việt Nam giúp xây dựng đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ Việt-Nhật, xây dựng các chương trình phát triển nhân lực kết hợp giữa Khu Công nghệ cao và Đại học Daegu Hàn Quốc…
Các chuyên gia hầu hết đều có nhiều thành tích nghiên cứu và uy tín trong ngành, lĩnh vực chuyên môn của các trường đại học tại các nước phát triển hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, số lượng các chuyên gia thu hút được thời gian qua còn rất hạn chế và nhiều trường hợp không tiếp tục làm việc sau khi kết thúc hợp đồng.
° Như vậy là chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học thời gian qua chưa phát huy hiệu quả?
° Chính sách thu hút phát triển nguồn nhân lực từ đội ngũ chuyên gia tuy đã được quan tâm nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi. Số lượng chuyên gia, nhà khoa học đã và đang làm việc rất hạn chế và mới chỉ tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp. Một số lĩnh vực đang cần nhân lực chất lượng cao nhưng chưa được quan tâm, mở rộng diện được áp dụng.
° Nguyên nhân chính có phải là do chính sách đãi ngộ hiện chưa thực sự tạo nên sự kích thích? ° Chính sách đãi ngộ theo Quyết định số 17 có một số điểm đáng chú ý: được trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng (chỉ áp dụng một lần và áp dụng cho lần ký hợp đồng đầu tiên); chuyên gia, nhà khoa học được chi trả mức lương hàng tháng với số tiền bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp… Mỗi một công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến, đổi mới kỹ thuật… từ cấp thành phố và tương đương trở lên được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt, công nhận bằng văn bản được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí ngân sách thành phố chi trả cho công trình đó. Trường hợp tổng mức ngân sách thành phố đầu tư cho công trình đã được phê duyệt hoặc cấp phép, công nhận chính thức vượt quá 100 tỷ đồng thì mức khuyến khích tối đa là 1 tỷ đồng… Chính sách là thế nhưng thực tế sẽ khác và rất khó để được hưởng phụ cấp khuyến khích 1 tỷ đồng như chính sách đề ra. Về phụ cấp hàng tháng, hiện nay cũng chưa đủ hấp dẫn chuyên gia, nhà khoa học. Điều này tạo thêm khó khăn trong việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học làm việc lâu dài trong các cơ sở khoa học công nghệ của thành phố. Tất nhiên, với không ít nhà khoa học, chuyên gia, tiền không phải là vấn đề, họ đến với thành phố từ sự quý mến, mong muốn đóng góp cho nước nhà… |
° Vậy làm thế nào khắc phục những trở ngại trên, thưa ông?
° Để gọi đúng nghĩa là thu hút nguồn chuyên gia, nhà khoa học cần bài toán dài hạn, chứ thu hút một năm, vài tháng thì không đúng nghĩa và càng khó thu hút. Môi trường xung quanh cũng rất quan trọng. Muốn thu hút phải tạo môi trường làm việc, nghiên cứu phù hợp chứ không phải chỉ tiền lương là xong.
Một vấn đề đáng quan tâm là chênh lệch giữa nguồn nhân lực được thu hút và nhân lực hiện có. Lương chuyên gia gấp nhiều lần so với mặt bằng chung ngay lập tức tạo ra điều không hay. Như vậy, thà thuê chuyên gia về giải quyết một nhiệm vụ cụ thể sẽ hợp lý hơn, vì đó là hợp đồng thuê mướn, còn nếu vào để làm việc lâu dài sẽ rất khó để cân bằng giữa việc trả lương cho nhân lực chất lượng cao và chăm lo cho đội ngũ hiện tại.
Qua đây tôi cũng kiến nghị, để quy trình thu hút, tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu hiệu quả, cần sự góp sức của nhiều cơ quan, đơn vị cũng như rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành có liên quan để có thể thực hiện quy trình, thủ tục hiệu quả hơn, chứ áp dụng cứng nhắc thì việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học không hề dễ.
° Xin cảm ơn ông!