Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, hợp tác quốc tế trong GD-ĐT luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Trong gần 40 năm đổi mới và phát triển đất nước, đặc biệt trong 10 năm gần đây, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD-ĐT đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc nâng cao uy tín, vị thế của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hiểu biết quốc tế, ngoại giao nhân dân và là nền tảng cho các hoạt động hợp tác khác.
Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh hợp tác và đầu tư với nước ngoài trong giáo dục. Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế và khu vực.
Tính đến 30-6-2024, Việt Nam đã thu hút được 605 dự án đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,57 tỷ USD; khoảng 430 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được triển khai tại 65 cơ sở giáo dục đại học trong nước; có 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh 3 ưu tiên trong thu hút hợp tác và đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam, đó là: thu hút các trường đại học nước ngoài uy tín thành lập phân hiệu tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với các cơ sở đại học uy tín nước ngoài; tăng cường trao đổi học sinh, sinh viên và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.
Tại hội nghị, bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho rằng, cần có khung chính sách hiệu quả, tạo ra môi trường mang tính kiến tạo để khuyến khích tương tác quốc tế, mang đến những trải nghiệm tích cực, để sinh viên, giáo viên, các nhà quản lý, nhà đầu tư cảm thấy phù hợp. Đồng thời, để trở thành điểm đến toàn cầu, cần rất nhiều yếu tố phải chuẩn bị như vị trí địa lý phù hợp, cách tiếp cận phù hợp, chính sách hiệu quả và đồng đều trên toàn quốc.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Minh, Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, hiện nay, có gần 22.000 sinh viên nước ngoài đang học tập ở Việt Nam, cao nhất 9 năm qua. Các trường đại học Việt Nam tích cực thu hút và tạo điều kiện học tập tốt nhất cho lưu học sinh nước ngoài. Việc trao đổi học sinh, sinh viên giúp thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật và góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước, hội nhập quốc tế.
Việt Nam chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, các đối tác đến hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, mà còn nhiều điểm đến tiềm năng khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương…