Thụ hưởng thành quả tăng trưởng

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước. Bình quân 7 tháng CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này mang theo ý kiến lo ngại về xu hướng CPI tăng mạnh trong những tháng cuối năm do cộng hưởng của việc mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng thêm 30% từ 1-7.

Theo ghi nhận thị trường, giá cả hàng hóa trong tháng 7 đã nhích lên so với tháng 6. Có 10/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ trong rổ tính CPI tăng giá trong tháng 7. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm quyền số (tỷ trọng trong tổng chi tiêu) lớn nhất, tăng 0,26%, làm cho CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm. Nhóm giao thông cũng tăng đáng kể (1,45%), làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu diesel, giá xăng trong nước tăng. Song, có tỷ lệ tăng mạnh nhất là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 3,77%), chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Quốc hội quyết nghị, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay nằm trong khoảng 4%-4,5%. Chính phủ nêu quyết tâm kiểm soát lạm phát ở ngưỡng dưới (4%) của mục tiêu này. Tăng lương chắc chắn sẽ kéo theo tăng giá nhưng vẫn có thể kiểm soát được do việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công, với gần 4 triệu lao động, chiếm 8% tổng số lao động của nền kinh tế. Các tác động từ việc tăng lương đến lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn nếu hạn chế được tác động tăng giá do tâm lý “té nước theo mưa”.

Trên thị trường có hàng chục ngàn mặt hàng. Nhà nước không thể và cũng không cần thiết kiểm soát mức tăng giá của tất cả mặt hàng tại mọi nơi, mọi thời điểm nhưng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; đồng thời thận trọng, có lộ trình tăng giá hợp lý đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kiểm soát (giá điện, học phí đại học, dịch vụ y tế...), tránh gây tác động lan truyền, làm tăng CPI qua nhiều vòng. Để làm được điều này cần củng cố nguồn dự trữ hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu), đảm bảo vận hành chuỗi cung ứng hiệu quả. Bên cạnh đó, các chính sách tiền tệ cần được vận hành một cách nhịp nhàng: không để cung tiền tăng quá nhanh, lãi suất không nên quá thấp, kiểm soát tỷ giá chặt chẽ không để xảy ra biến động hàng hóa thất thường.

Về phía doanh nghiệp cũng cần tích cực, chủ động ủng hộ chính sách của Chính phủ thông qua các sáng kiến hoặc giải pháp tiết kiệm chi phí để giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh về giá, đồng thời với cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ. Khi đó, bên cạnh thương hiệu doanh nghiệp được củng cố, nâng cao giá trị thì cuộc sống của người dân nói chung và người làm công ăn lương nói riêng mới thực sự được cải thiện nhờ “trái ngọt” tăng lương.

Cũng không vội lo lắng quá mức. Bởi lẽ, tăng trưởng kinh tế đang là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho ổn định kinh tế vĩ mô (GDP quý 1 tăng 5,66%, quý 2 tăng 6,93% - là tốc độ tăng tương đối cao trong nhiều năm) và việc nền kinh tế vận hành khả quan sẽ góp phần giảm bớt tình trạng lạm phát do tâm lý.

Tin cùng chuyên mục