Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sáng 8-11, Quốc hội nghe Báo cáo Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày.
Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) do Viện trưởng Lê Minh Trí trình bày; Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Toà án Nhân dân tối cao (TANDTC) do Chánh án Nguyễn Hòa Bình trình bày.
Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 cũng đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong lần lượt trình bày trước Quốc hội. Quốc hội cũng nghe các báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội có liên quan về các nội dung trên.
Tỷ lệ điều tra, phá án đạt 86,94%
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội là trọng tâm, then chốt. Công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ…
Các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng vượt 22,6% so với chỉ tiêu
Bên cạnh đó, ngành kiểm sát cũng tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số ít chỉ tiêu chưa đạt, nổi lên như tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự được chấp nhận còn thấp; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra VKSNDTC còn chưa cao.
Số lượng thẩm phán nghỉ việc tới hơn 1.000 người
Bên cạnh các kết quả nêu trên, hoạt động của các tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như: tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao; vẫn còn một số ít vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan; một số cán bộ không chịu rèn luyện đã vi phạm pháp luật và kỷ luật công tác.
Đáng lưu ý, ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, đã có hơn 1.000 thẩm phán tòa án các cấp nghỉ việc.
Chú trọng hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, năm 2022, Chính phủ tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự (THADS). Trong đó, đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật THADS để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Nghị quyết số 63/2022/QH15 kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.