Thông tin trên được nêu ra tại Báo cáo do Tổng thanh tra Chính phủ ký ban hành, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra.
Trong đó, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 345 vụ với 799 bị cáo (giảm 4,4% số vụ); đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 5,7% số vụ), trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 49,7% (tăng 2% so với cùng kỳ); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 15,7% (tăng 3,7% so với cùng kỳ). Có 8 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016).
Các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng và 77.057m2 đất; đã thu hồi 329 tỷ 691 triệu đồng, 314.000USD và 3.700 m2 đất; kê biên 5 bất động sản, 1 xe ô tô Lexus; 1 xe ô tô Audi; 1 xe ô tô Porche và dây chuyền trị giá 1,6 triệu USD.
Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý 415 việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền là 6.051,4 tỷ đồng (thụ lý mới 171 vụ việc (tăng 163%), với số tiền 5.110,9 tỷ đồng), đã giải quyết xong 117 vụ việc (tăng 5% so với vụ việc được giải quyết), tương ứng với số tiền 1.154,5 tỷ đồng (tăng 12.2% so với cùng kỳ năm 2016).
Thanh tra Chính phủ nhận định, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tuy đã tạo được sự thay đổi tích cực, nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.
Công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thí điểm đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh 2016 (PACA INDEX 2016) dựa trên tiêu chí và thang điểm cụ thể. Kết quả, điểm trung bình toàn quốc là 58,11 trên 100 điểm, cho thấy công tác PCTN ở cấp tỉnh hiện nay còn hạn chế, yếu kém.