Bộ TN-MT vừa đề nghị Hà Nội và TPHCM có giải pháp thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường. Đây là chủ trương nhằm tiến đến mô hình thành phố văn minh, hiện đại, trong lành và an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo mưu sinh của người dân, nhất là người sử dụng xe máy cũ và lợi ích lâu dài cho môi trường sống, cần có lộ trình cùng sự hỗ trợ thiết thực.
* PGS-TS NGUYỄN ĐINH TUẤN, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM: Sớm triển khai kiểm định khí thải
Thu hồi phương tiện cơ giới, nhất là xe gắn máy cũ nát rõ ràng là một chủ trương đúng, vì nó không đảm bảo môi trường, nhiều bất trắc khi lưu thông, dẫn tới nguy cơ gây tai nạn giao thông. Vấn đề này đã đặt ra hơn 10 năm trước khi Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất chương trình đăng kiểm xe máy trên cơ sở kiểm định khí thải, xe nào không đạt tiêu chuẩn sẽ được sửa chữa, tệ quá thì đình chỉ lưu thông, thu hồi. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau (đã được thí điểm ở TPHCM), đến nay chương trình vẫn chưa được triển khai chính thức.
Gần đây, Cục Đăng kiểm và một số đơn vị chức năng đã quay lại chương trình này, tôi nghĩ nên triển khai sớm, bắt đầu ở TPHCM. Song, việc thu hồi xe máy cũ có 2 vấn đề đặt ra: thứ nhất, cần đặt ra tiêu chí về khí thải ra môi trường và tiêu chí an toàn khi lưu thông; thứ hai, khi có tiêu chí thì cần có cơ quan chuyên môn kiểm định. Khái niệm xe cũ nát nên được hiểu là xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải và không đảm bảo an toàn. Muốn đánh giá không đảm bảo thì phải có cơ quan kiểm định uy tín là Cục Đăng kiểm.
* LS TRẦN ĐÌNH DŨNG, Đoàn Luật sư TPHCM: Cần chính sách hỗ trợ cụ thể
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, trong đó xe mô tô, xe gắn máy được đưa vào danh mục các loại hàng hóa phải thu hồi xử lý. Thời hiệu thực hiện thu hồi xử lý xe máy cũ từ 1-1-2018. Thực tế, hiện nay trên cả nước có hàng chục triệu xe mô tô, gắn máy đang lưu hành, trong đó không ít xe máy cũ nát. Vì thế, chủ trương thu hồi xử lý xe máy cũ là đúng đắn, cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông cũng như hạn chế khói bụi.
Tại Điều 10, Quyết định số 16, Thủ tướng yêu cầu UBND cấp tỉnh tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thu hồi, xử lý; phổ biến quy định, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất lập điểm thu...
Như vậy, hành lang pháp lý để thu hồi xử lý xe máy cũ, đơn vị tổ chức đã quy định cụ thể, cần thêm nữa là chính sách cụ thể hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp. Các hãng sản xuất xe máy cũng nên chia sẻ, đồng hành với người lao động nghèo, người có hoàn cảnh sống khó khăn.
* Ông NGUYỄN VŨ HẠNH PHÚC, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TPHCM: Tuyên truyền rộng rãi chủ trương đúng đắn
Với những người không nhất thiết mưu sinh bằng phương tiện xe máy cũ nát thì nên thu hồi. Tuy nhiên, cần xây dựng lộ trình cụ thể, có thể triển khai từ giữa năm 2021, từng thời điểm phù hợp, chứ không đồng loạt. Nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân, phải thông tin, tuyên truyền rộng rãi để người dân biết chủ trương đúng đắn của thành phố.
* Anh LÊ TIẾN PHẤT, ngụ quận 12, TPHCM: Tạo điều kiện chuyển đổi phương tiện phù hợp
Tôi ủng hộ thu hồi xe máy cũ nát vì các xe này không chỉ gây ô nhiễm môi trường từ khí thải, mà còn gây mất an toàn khi tham gia giao thông. Phần lớn là xe không giấy tờ, không đăng kiểm dùng để vận chuyển hàng hóa. Nhưng người sử dụng chủ yếu dân nghèo ở quê lên TPHCM để mưu sinh, nếu thu hồi thì phải tạo điều kiện cho người dân kiếm nghề khác hoặc thu hồi thì nên hỗ trợ tương xứng cho người dân vì đó là cần câu cơm.
Thu hồi xe cũ nát là cần thiết, nhất là tại các thành phố lớn, tuy nhiên cũng cần có một cơ quan kiểm định xem những xe nào thật sự gây ô nhiễm môi trường, không đạt chất lượng nằm trong danh mục thu hồi và cơ chế bồi thường cho người dân ra sao. Cơ quan chức năng cũng nên có biện pháp cải tạo xe cũ đạt chất lượng để người dân mua lại với giá rẻ.