Sáng 9-3 tại Hà Nội, Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị, vấn đề thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng và xác định giá đất nhận được nhiều ý kiến góp ý. Theo ông Bùi Văn Phòng, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo tỉnh Thái Bình, nguyên Phó chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình, địa phương này có đến hơn 80% đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề thu hồi đất nông nghiệp, đền bù, giải phóng mặt bằng và giá đền bù đất đai. “Luật Đất đai 2013 chưa có quy định cụ thể, rõ ràng mục đích đất bị thu hồi, trong khi điều này có liên quan mật thiết đến giá đền bù”, ông Phòng nhận xét và cho biết, thực tế tại Thái Bình, mức đền bù đất bị thu hồi thấp hiện chỉ vào khoảng 78 triệu đồng/sào (360m2) đối với khu vực thành phố; 69 triệu đồng/sào với đất thị trấn, thị xã... Tuy nhiên, sau khi thu hồi các chủ đầu tư đã phân lô, bán nền có mức giá lên tới vài chục triệu/m2. Thu với giá rẻ, rồi bán nền với giá gấp hàng trăm lần, điều này đã gây bức xúc trong dân, đặc biệt là những người bị thu hồi đất.
Chuyên gia này kiến nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên tách bạch mục đích thu hồi đất và thành lập tổ chức chuyên nghiệp, độc lập về định giá đất; không chỉ giúp cho việc thu hồi đất thuận lợi mà còn là giải pháp tích cực phòng ngừa, ngăn chặn lợi ích nhóm trong việc thu hồi đất.
Theo đó, đất thu hồi nên chia thành 3 nhóm: thu hồi vì mục đích an ninh - quốc phòng, lợi ích quốc gia công cộng; thu hồi đất vì phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đất thu hồi giao cho nhà đầu tư phân lô, bán nền. Trên cơ sở tách bạch, làm rõ mục đích thu hồi đất nói trên, Nhà nước xây dựng giá đền bù phù hợp với mục đích thu hồi, người dân dễ dàng chấp nhận và khắc phục cơ bản lợi ích nhóm trong thu hồi đất.
TS Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam thì bày tỏ quan tâm đến diện tích đất thổ cư tối đa mà 1 hộ gia đình được quyền sở hữu. Trong quá trình thực hiện tách sổ, tách hộ đã gặp vướng mắc, nhiều hộ gia đình cha mẹ trao quyền thừa kế về đất đai cho các con, song đất ở chia cho 3-4 người con thì diện tích quá nhỏ, không đủ điều kiện làm sổ đỏ. Theo bà Tạ Thị Minh Lý, cần tăng hạn mức đất ở để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Bàn về Điều 145 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến cấp giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất, luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật nên quy định theo hướng: tài sản gắn liền với đất được cấp giấy chứng nhận bao gồm nhà ở, công trình xây dựng không phải là nhà ở, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp giấy chứng nhận. Trường hợp sau khi có giấy chứng nhận mà tài sản bị tiêu hủy, phá dỡ thì việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản không còn hiệu lực pháp lý; đồng thời phải thực hiện đăng ký biến động.