GS-TSKH Đặng Hùng Võ |
Tham dự hội thảo có Tiến sĩ Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ; GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT); cùng các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý lĩnh vực TN-MT các tỉnh ĐBSCL…
Tại hội thảo, GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng: “Cho đến nay chúng ta vẫn vướng vào câu chuyện thu hồi đất như thế nào đối với các dự án liên quan tới mục tiêu lợi nhuận của chủ đầu tư. Hiện Luật Đất đai năm 2013 chưa giải quyết được vấn đề này và đang trở thành điểm nghẽn. Đây cũng là điều mà người dân thắc mắc nhiều nhất, khiếu nại, khiếu kiện nhiều nhất. Do đó, trong trường hợp vì mục tiêu lợi nhuận của chủ đầu tư thì việc thu hồi đất, phương án thu hồi đất phải để cộng đồng những người bị thu hồi đất xem xét, cho ý kiến. Cụ thể, phải được sự đồng ý của đại đa số cộng đồng (2/3 cộng đồng) thì chúng ta mới được thu hồi đất. Tuy nhiên, hiện dự thảo Luật Đất đai vẫn chưa đề cập đến vấn đề này”.
PGS-TS Phan Trung Hiền |
Cùng quan điểm trên, PGS-TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Thực tế cho thấy khi thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, chỉ cần 1/1.000 cá nhân không đồng ý, cũng sẽ khó triển khai thực hiện. Do đó, trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì cần đại đa số người sử dụng đất tán thành. Cụ thể, trên 70% người sử dụng đất của trên 70% diện tích đất của dự án”.
Ngoài ra, PGS-TS Phan Trung Hiền cũng cho rằng, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần làm rõ một số nội hàm khái niệm ‘đất’ và ‘đất đai’, ‘giá đất’ và ‘giá thửa đất’, ‘công dân’ và ‘toàn dân’, ‘thu hồi đất’ dùng cho tất cả các trường hợp bao gồm cả ‘hiến đất’…
Tiến sĩ Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ |
Tiến sĩ Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng: “Từ thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố cho thấy việc quy định bồi thường vật nuôi chỉ bao gồm vật nuôi là thủy sản, do vậy không có cơ sở pháp lý để bồi thường các vật nuôi khác cho người dân. Mặt khác, các văn bản của Trung ương chưa quy định mật độ cây trồng và mật độ thả nuôi trong bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, để ngăn ngừa tình trạng một số người dân cố tình trồng thêm cây trồng để được bồi thường nhiều hơn, gây mất công bằng trong bồi thường. Vì vậy, Dự thảo Luật Đất đai cần bổ sung quy định chi tiết về nguyên tắc bồi thường cây trồng, vật nuôi”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng cho biết, Dự thảo Luật Đất đai quy định các vấn đề liên quan đến giá đất sẽ giao cho chính quyền địa phương quyết định. Do đó, để giúp các địa phương có cơ sở cho việc xây dựng bảng giá đất, thì Bộ TN-MT cần xây dựng “cơ sở dữ liệu về giá đất của quốc gia”.
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến |
Liên quan đến công tác quy hoạch đất đai, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: “Việc xử lý quy hoạch sử dụng đất “treo” hiện chưa hiệu quả; chưa làm rõ tính thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với các loại quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch; quy định về điều chỉnh, thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa chặt chẽ, dễ bị lợi dụng để phá vỡ kỷ luật trong thực hiện quy hoạch… Bên cạnh đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa chú trọng đúng mức đảm bảo cuộc sống bền vững cho người nông dân hết tuổi lao động khi bị thu hồi đất nông nghiệp; mới chỉ chú ý đến giải quyết chỗ ở mới cho người bị thu hồi đất mà chưa chú ý đến việc bố trí đất ở gắn với sinh kế của người dân…”.
Báo cáo tại hội thảo cho biết, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực cho đến nay, cả nước đã thu hồi hơn 1.179.879 ha để thực hiện 25.362 dự án, thoả thuận thu hồi 105.000 ha cho 3.691 dự án. Trong đó, đã bồi thường bằng tiền đối với đất là 218.416 tỉ đồng, bồi thường bằng đất 17.375 ha, hỗ trợ bằng tiền 75.855 tỉ đồng và bố trí 43.000 căn nhà tái định cư.