Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra trong cuộc họp là “Đề án quản lý đất đai và sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM”. Đây là đề án đã được UBND TPHCM phê duyệt tháng 2 năm nay, giao Sở TN-MT triển khai thực hiện.
Ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm thu hồi quỹ đất TPHCM (Sở TN-MT), cho biết việc khai thác quỹ đất 2 bên đường khi tiến hành mở rộng, hoặc điều chỉnh các tuyến đường giao thông TP nhằm chỉnh trang đô thị đồng bộ, hạ tầng phát triển hoàn chỉnh. TP đã từng thành công trong việc mở rộng xây dựng tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ từ quận 7 qua Nhà Bè. Vấn đề đặt ra, khi mở rộng thu hồi đất 2 bên, chúng ta sẽ được gì và vướng mắc thế nào? Về thuận lợi, Luật đất đai, Luật Quy hoạch đô thị cho phép thực hiện, nhưng chưa có bước đi rõ ràng. Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với Sở QH-KT, trao đổi với các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, xin ý kiến các bộ ngành trung ương. Khi tiến hành thu hồi đất theo chiều rộng của con đường 50m hoặc 100m, sẽ căn cứ theo quy hoạch, tùy dự án cụ thể, quy hoạch cụ thể mới tính toán được.
Về khó khăn, theo ông Võ Công Lực, là rất cần sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, do đó các đơn vị có liên quan phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Trước khi bắt tay thực hiện dự án, TP sẽ khảo sát về sự đồng thuận của người dân. Sở từng khảo sát sơ bộ và tính toán trong đề án trước đây là đạt được 2/3 sự đồng thuận của người dân, nhưng với tỷ lệ như vậy liệu đã phù hợp với quy định pháp luật chưa? Thứ hai, những vấn đề có thể gây xáo trộn đời sống lớn như vậy thì chúng ta có chính sách gì để hỗ trợ người dân? Có khả năng sẽ chia sẻ quyền lợi cho người dân khi bán đấu giá quỹ đất 2 bên đường bằng cách tái định cư tại chỗ, chọn chỗ tái định cư tốt nhất cho người dân.
Tiếp đó, tiền bán đấu giá đất sẽ tái đầu tư lại cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh hơn. Một vấn đề quan trọng là khi tiến hành mở rộng tuyến đường sẽ cần vốn lớn, vì đền bù cả phần làm đường và phần mở rộng. Ông Lực khẳng định, đề án này không thực hiện ngay tức thì mà triển khai từng bước trong 5 năm. Sở sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo về 6 nội dung quan trọng của đề án để làm rõ các bước đi, xung đột pháp lý, nếu thẩm quyền thuộc trung ương thì xin ý kiến các bộ ngành.
Ở góc độ quy hoạch, Ông Huỳnh Tịnh Phong, Trưởng Phòng Pháp chế Sở QH-KT cho biết, Sở QH-KT nhiều lần tham mưu TP chương trình này. Khi thực hiện đề án sẽ tránh tình trạng giải tỏa xong xuất hiện một khu đất nhỏ không đáp ứng được điều kiện sử dụng và trở thành nhà siêu mỏng, siêu méo. Hiện nay Luật Quy hoạch đô thị đã cho phép chính quyền thu hồi và bồi thường cho người dân đang sử dụng khu đất đó, nhằm tránh gây ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan của đô thị, vấn đề làm sao bồi thường cho phù hợp và hài hòa.
Thực hiện Đề án quản lý đất đai và sử dụng đất đai hiệu quả của TPHCM, khi thiết kế một con đường, luật pháp quy định phải nghiên cứu, khai thác theo nguyên tắc sử dụng tiết kiệm và khai thác tối đa quỹ đất 2 bên đường. Luật quy định, tính tối thiểu 50m tại chỉ giới đường đổ về hai bên, như vậy có thể lấy rộng ra nhưng phải tùy thực tế sau khi khảo sát. Ở nước ngoài, muốn tổ chức giải tỏa con đường mới sẽ nghiên cứu 3-4 năm, lấy ý kiến người dân, bố trí tái định cư tại chỗ, phần đất dôi ra đem đấu giá, phần lợi thu lại để bổ sung đầu tư con đường. Tuyến đường hình thành sẽ đồng bộ với hạ tầng mới, không phá vỡ hạ tầng hiện hữu.
Ghi nhận các ý kiến, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhận xét: “Vấn đề này chưa có quyết định chính thức để triển khai. Như vậy đề án sẽ tiếp tục hoàn thiện, căn bản nhất sẽ trưng cầu ý dân thông qua tọa đàm, hội thảo… để chọn phương án mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân. Tôi cũng mong muốn Sở TN-MT, Sở QH-KT nên có sự gắn kết với báo chí, tiếp sức cùng TP trong vấn đề này”.